Archives

Rượu nghệ – gừng cho phụ nữ sau sinh!


Sắp đến giai đoạn vỡ chum rồi, lần này tôi làm một bình rượu nghệ – gừng hạ thổ từ tháng thứ 6 của thai kỳ để lau mình sau khi sinh và cũng để giảm cân nhanh để có thể trở lại với công việc sớm. Baby dự kiến sẽ sinh vào cuối năm, thời điểm khá bận rộn cho những ai làm công việc dịch vụ như tôi…

Image

 

Chuẩn bị

– 1 kg củ gừng tươi (nên dùng loại gừng của Việt Nam chú không nên dùng gừng Trung Quốc)

– 1kg củ nghệ vàng

– 3 – 4 lít rượu gạo trắng (rượu này là do dì từ ngoài Bắc nấu gửi vào nên rất yên tâm về chất lượng)

– 1 hũ thủy tinh 5 lít hoặc có thể dùng hũ nhựa.

Thực hiện

– Gừng và nghệ đem rửa sạch rồi cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài, giã nát hoặc xay nhỏ.

– Rửa sạch và lau khô hũ đựng, cho gừng và nghệ đã giã nát hoặc xay nhỏ vào hũ rồi rót rượu trắng sao cho rượu ngập lên trên lớp gừng nghệ khoảng 2 đốt ngón tay. Sau đó, bạn đậy kín nắp bình và hạ thổ. Lưu ý,  nên đặt hũ rượu ở nơi thoáng mát để rượu không bị lên men, lên bọt, hư hỏng.

– 2 tháng sau, khi hũ rượu gừng nghệ chuyển sang màu vàng rất sáng của nghệ là có thể đem ra sử dụng được.

Sử dụng

– Khi sử dụng, bạn nên dùng khăn mềm để thấm rượu, sau đó thoa lên bụng và mát xa nhẹ nhàng trong vòng 30 phút. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy sức nóng từ rượu lan toả ra khắp vùng bụng. Đây cũng là lúc rượu phát huy tác dụng, sinh ra nhiệt lượng để đốt cháy mỡ bụng. Bạn hãy kiên trì sử dụng trong vòng 1 – 2 tháng để lấy lại vóc dáng như xưa.

– Do có nghệ nên bạn hãy dùng bao tay nilon, mặc áo cũ để không bị vàng da tay và áo đẹp.

– Tuyệt đối không xoa rượu vào bầu ngực vì em bé sẽ bị cay khi bú

Cà tím nướng mỡ hành


Image

Cà tím có nhiều tác dụng làm giảm cholesterol trong máu, tốt cho sức khỏe, do vậy tôi hay làm cà tím nướng mỡ hành cho cả nhà. Chấm với tương ớt thì thật tuyệt vời!

Nguyên liệu:
 
– 3 quả cà tím dài

– Hành lá, dầu ăn, đường, nước mắm.

Cách làm:

Cà tím bổ dọc, rửa sạch rồi ngâm trong nước muối pha loãng để cà không bị thâm.

Dùng nĩa châm trên vỏ cà.

Nướng cà trên bếp than hoặc lò nướng đều được. Cà chín, dùng tay tước bỏ vỏ cà.

Hành lá thái nhỏ, rưới vào hành lá chút dầu ăn, bỏ vào lò vi sóng quay 15 giây cho hành chín, hoặc có thể nấu trên nồi nhỏ cho hành chín. Cà xếp ra đĩa, rưới mỡ hành lên bề mặt là hoàn tất.

 

Phương pháp dân gian trị mề đay!


Không biết con gái từ lúc ở trong bụng đã khéo chọn, giống ba từ mặt mũi, tay chân đến tính cách, nhưng lại chọn cái bệnh oái ăm của mẹ là bệnh nổi mề đay. Khổ thân con, từ lúc 1,2 tuổi đã hay nổi, lúc đầu là từng mụt sưng lên chứ không phải thành từng về như mẹ, làm mẹ cứ tưởng con bị muỗi cắn, thế là mẹ lấy dầu xoa lên cho con, ai ngờ nó càng nổi nhiều hơn.

Bây giờ con 8 tuổi, mề đay lại nổi lên thành từng về, nhiều lúc làm con rất khó chịu, ngứa ngáy toàn thân, không ngủ được. Mẹ đã có kinh nghiệm trải qua căn bệnh này, nên mẹ thương con vô cùng. Tuy nhiên quan điểm của mẹ dành cho con và gia đình thân yêu của mình là mẹ không ưu tiên cho thuốc tây mà là các phương pháp dân gian truyền thống trước, có thể hiệu quả mà không gây hại nhiều về sau.

Một trong những phương pháp mẹ chọn để trị bệnh cho con là xông hơ bằng da rắn hổ hành. Mẹ đặt mua 1 con rắn rừng, thịt thì mẹ nấu cháo đậu xanh cho con, da rắn thì mang phơi khô. Thật xui cho con gái là thời gian đó SG lại bị ảnh hưởng của bão nên mưa triền miên, da rắn của con phải 2 tuần thì mới khô được.

Image

 

Nguyên liệu: 

    – RắnHổ Hành….1 con khoảng 500gram (Lạng lấy da rửa sạch, đem phơi ngoài nắng cho thật khô khô (xem hình).                

      – 1 bếp đất nung ( loại nhỏ)

      –  200gr than củi (dùng cho 3 ngày xông)

Cách làm:

Chuẩn bị trước khi xông

– Cắt rắn đã phơi khô ra từng đoạn khoảng 8cm

– Nhóm bếp than không để cháy đỏ, chỉ hơi hồng hồng một góc than thôi. Nếu than cháy bùng lên thì khơi cho than rời ra .

– Cho rắn đã khô nằm trên than, làm sao cho da rắn chạm một tí vào than hồng để nó ngún khói chứ không cháy  ( cần xông khói rắn nên có nhiều khói càng tốt !! nếu rắn bốc cháy phải dụi tắt liền )  Bỏ vào 2 đoạn rắn , khi nào ung hết mới bỏ thêm nữa, thường thì 1 con rắn nêu ở trên xông cho ba ngày, chỉ khi nào bệnh nặng mới phải dùng đến 2 con rắn

Cách xông

– Để lò ung rắn đã chuẩn bị ở trước mặt người bệnh, trùm mền phủ kín cả người bệnh và lò than. 

Làm sao trong mền khói rắn phải xông tỏa ra bao phủ cả người bệnh( nhớ mặc quần áo mỏng, hoặc không mặc càng tốt). Cố gắng kéo dài thời gian khói của rắn phủ người trên 15 phút.

Sau khi xông có thể có người ngứa nhiều hơn bình thường nhưng an tâm… hôm sau cứ xông tiếp lần hai…..vì sau khi xông một vài ngày bệnh mề đay cấp tính hay mãn tính sẽ giảm dần và sau đó biến mất hẳn. ( chú ý : Sau khi xông rắn xong …2 giờ sau mới được tắm )

Phải nói là mùi rắn hổ hành khi xông cho con thì rất khó ngửi, nhưng mẹ thấy là nó có hiệu quả trên người của con, bằng chứng là con vẫn còn nổi vài mụt, tuy nhiên nó không nhiều và dồn dập như lúc con chưa xông. Hy vọng là mẹ sẽ kiên trì cho con để con có thể hết hẳn bệnh mề đay, con nhé.

Image

Món chay lạ miệng – Củ cải muối kho thơm!


Hồi nhỏ, má tôi quen với một người Hoa gốc Tiều, mấy lần theo má đến nhà đó chơi được họ đãi món cháo trắng ăn kèm với các món kho, có chay có mặn. Ngon tuyệt vời mà tôi giờ nhớ đến vẫn thấy thèm. Đó cũng hình thành nên sở thích ăn cháo trắng của tôi bây giờ, nhẹ bụng, dễ tiêu, no nhưng không ngán. Hôm nay làm một món chay củ cải kho thơm để ăn với cơm hay cháo đều được cả:

Image

 

1. Nguyên liệu: 

■ 1/2 bịch củ cải muối loại mặn ngọt, rửa sạch, ngâm sơ với nước sôi + nước lạnh rồi xắt nhỏ lại chút nếu thích 
■ 1/4 trái thơm xắt miếng nhỏ. 

Gia vị: muối, tiêu, đường, bột nêm, dầu hào chay, dầu mè (không có cholesterol mà còn khử được mỡ trong máu, nên người ăn chay trường mà cử ngũ vị tân nên dùng loại dầu này,  mình thích dùng dầu mè vì rất thơm, tăng hương vị của thức ăn nữa, các loại dầu khác đều có cholesterol, muốn khử chất cholesterol trong dầu, chỉ có khử tỏi, tỏi để nguyên vỏ khử mới thơm, rửa thật sạch lớp vỏ ngoài vì có những phấn trắng bám ở vỏ và là độc tố có hại, xong rồi đập dập tỏi, dầu nóng thả vào, tỏi sẽ khử chất cholesterol trong dầu làm cho dầu rất trong, nếu mình thường dùng thức ăn dầu mỡ thì sẽ giảm được nguy cơ máu nhiễm mỡ – theo thực dưỡng).

2. Cách nấu: 

Dầu mè hơi nóng (nếu để nóng quá như các loại dầu khác sẽ bị khét và làm chết các con vi sinh có ích), cho thơm vào xào 1 phút, rồi đến củ cải muối, xong nêm nước tương + gia vị trộn đều xào cho hơi thấm một chút rồi rưới nước vào sôi vặn lửa nhỏ lại cho thấm, thỉnh thoảng đảo từ trên xuống cho thấm, đừng để bị khét, khi chín rắc tiêu vào trộn đều, cho ra dĩa ăn thôi. 

MẸ ANH PHIỀN THẬT!


Image
– Anh về ngay đi, em hết chịu nổi rồi, mẹ anh phiền thật.

– Uhm, mẹ anh phiền thật, bây giờ anh đang có cuộc họp quan trọng, tối về anh sẽ giải quyết nha em.

Tiếng đầu dây bên kia dập máy nghe có vẻ rất tức tối, anh buông thõng người ra sau ghế, ở bên kia cô nhìn ra phía cửa như đang cố nuốt trôi một cái gì đó vào mình.

– Anh nhìn đi, đó, đây này, hôm nay em sắp, ngày mai em xếp, cứ một người dọn, một người lại bày ra như vậy, ai mà chịu nổi. Em sắp điên rồi đây. Cô vò đầu trong 1 trạng thái vô cùng tức giận, anh lại gần cô, lấy tay xoa xoa 2 bờ vai gầy gầy, cô hất chúng ra.

– Em vào đây – Anh nhẹ nhàng nắm lấy tay cô kéo vào phòng, khép hờ cửa, anh lấy xuống 1 chiếc hộp được đặt trên nóc tủ, lấy tay phủi nhẹ, anh nhìn cô mỉm cười.

– Mẹ phiền thật, ngày mai mình đưa mẹ đến viện dưỡng lão em nhé, còn bây giờ để anh cho em biết mẹ chúng ta phiền đến mức nào.

Anh mở chiếc hộp ra, bên trong là 1 xấp hình, anh lấy ra 1 tấm đã cũ, nhưng chẳng hề dính tí bụi nào, cô tò mò nhìn vào tấm ảnh.

– Em thấy không, đây là tấm hình mà Dì anh đã chụp lúc anh sinh ra, Dì kể vì mẹ yếu nên sinh lâu lắm, mà sinh lâu chắc là đau lâu em nhỉ, mà mẹ phiền thật, cứ la hét ầm ĩ cả lên, ai mà chẳng sinh. Dì còn nói, mẹ yếu lắm, nếu cứ cố sinh thì sẽ nguy hiểm cho người mẹ, bác sĩ đã nói như vậy rồi vậy mà mẹ vẫn cố cãi ” Không, con tôi phải ra đời, tôi phải sinh”, mẹ anh phiền thật đó.

Cô nhìn tấm hình, bàn tay cô nhẹ bỗng, rồi cô nhìn anh, trong mắt anh chứa 1 điều gì đó rất lạ. Anh cẩn thận bỏ tấm hình đó qua 1 bên, lấy 1 tấm khác cho cô xem.

– Em nhìn nè, đây là bức ảnh chụp lần đầu tiên anh bú mẹ, anh chẳng thấy ai phiền như mẹ cả. Bà nội, bà ngoại nói cả rồi, mẹ yếu, không đủ sữa để cho anh, uống sữa bình đi, ở đó mà dưỡng sức, nhưng 1, 2 cứ khư khư giữ anh vào lòng ” Không, con con nhẹ cân, phải bú sữa mẹ mới tốt”. Ai nói gì cũng cãi em nhỉ, nếu không anh được uống sữa bình rồi, sữa bình phải ngon hơn chứ, mẹ anh phiền thật.

Bàn tay cô run run, cô thấy ánh mắt của người mẹ trong bức ảnh ánh lên vẻ rất hạnh phúc, 2 bàn tay cô ta cứ giữ chặt đứa bé. Cô nhìn anh không nói gì cả.

– Còn nữa đây này – Anh lại lôi ra 1 tấm khác nhìn vào đó.

– Em thấy mẹ anh phiền ghê chưa, con nít hơn 1 năm ai chẳng chập chững biết đi, mẹ cứ làm như chỉ có con mẹ mới làm được điều đó không bằng. Ba kể mẹ cứ gặp ai là cũng hí hởn khoe ” Thằng cu Tin nhà tôi đi được rồi, nó biết đi rồi đó “. Bộ mẹ không thấy phiền hay sao em nhỉ? – Bờ môi cô như muốn nói một cái gì đó nhưng cổ họng thì ứ nghẹn lại, bức ảnh đứa trẻ con chập chững đi về phía mẹ trong tấm hình, cô nhìn mãi.Ba còn kể, từ ngày anh bắt đầu bi bô tập nói rồi gọi được tiếng mẹ là nguyên những ngày sau là một chuỗi điệp khúc ” Cu Tin gọi mẹ đi, gọi mẹ đi cu Tin”, mẹ phiền quá đi mẹ à, anh mỉm cười xoa nhẹ vào bức ảnh, mắt anh đang long lanh thì phải.

– Đây nữa, đây nữa này – Anh lôi ra nguyên 1 xấp, nhiều lắm, rất nhiều ảnh- Em thấy mẹ anh phiền ghê chưa, chụp làm gì mà lắm ảnh vậy không biết, lần đầu tiên anh vào mẫu giáo, có phiếu bé ngoan, rồi tiểu học, trung học, nhận bằng khen, em coi đi, đủ trò trên đời, coi hình của anh có mà đến tết mới xong, anh phì cười, ” mẹ anh phiền nhỉ “?

Cô nhìn anh, anh không cười nữa, anh cầm 1 tấm hình lên nhìn vào đó rất lâu, cô thấy nó, 1 tấm hình rất đạp, anh rất đẹp trong bộ áo tốt nghiệp cử nhân, anh lúc đó trông điển trai quá, cao ráo, nhưng…

– Em có thấy không? Tóc mẹ anh đó, rối em nhỉ ? Còn áo quần nữa này, cũ mèm…- Cô nghe thấy giọng anh trở nên khác đi, không đều đều như lúc ban đầu nữa, đứt quãng. Cô nắm lấy tay anh.

– Năm 15 tuổi, ba bỏ mẹ con anh lại, rồi lúc đó, mọi thứ trong nhà trở nên không có điểm tựa, anh đi học, mẹ bắt anh phải học…Em không biết đâu, anh xin nghỉ nhưng mẹ không cho, phiền như vậy chứ. Mẹ cứ sáng sớm đi phụ quán cơm cho người ta, trưa ăn 1 chén cơm thừa trong quán để dư tiền cho anh học thêm ngoại ngữ, rồi chiều đến chạy đi giặt đồ cho những bà mẹ không phiền khác, để họ đi mua sắm, cà phê, giải trí…- Giọng anh lạc hẳn – Còn nữa em ạ, tối đến mẹ lại tiếp tục đi làm lao công đường phố, sáng sớm mới về chợp mắt được 1 tí thôi, vậy đó…Em thấy mẹ anh khỏe không?

” Tách”, 1 giọt nước rơi xuống trên tấm hình, mắt cô cũng nhòe đi, khác thật, 1 bà mẹ trẻ với gương mặt xinh đẹp lúc đứa con mới bi bô tập nói, và cũng với gương mặt phúc hậu đó nhưng giờ làn da đã nhăn đi, khuôn mặt gầy hẳn khi đứng cạnh cậu con trai lúc chuẩn bị ra trường.

– Anh à – Bàn tay cô nắm lấy bàn tay run run của anh.

– Em có thấy tay mẹ rất yếu không, anh chẳng bao giờ kể em nghe nhỉ. Khi 5 tuổi, anh đùa nghịch chạy nhảy lung tung, lúc đuổi bắt cùng cô nhóc hàng xóm anh đã trượt chân ngã từ cầu thang xuống. Lúc đó, anh chẳng thấy đau một chút nào cả, chỉ nghe một tiếng kêu rất thân quen, em có đoán được không, anh đang nằm trên 1 thân thể rất quen…mẹ anh đó. – Cô sững người lại, nước mắt cô trào ra, rơi xuống ướt đẫm tay anh.

– Em à, mẹ anh phiền vậy đó, phiền từ khi anh chuẩn bị lọt lòng cho đến khi anh gần đón đứa con đầu tiên của mình, chưa hết đâu, mẹ sẽ còn phiền cả đời em ạ, bây giờ lớn rồi mẹ vẫn cứ lẽo đẽo theo anh dặn đủ thứ em không thấy sao, cơm phải ăn 3 chén, đi xe phải chậm thôi, đừng có mà thức khuya quá. Mẹ anh phiền thật, ngày mai mình đưa mẹ đến viện dưỡng lão em nhé.

” Anh “, cô ôm chặt lấy anh, cô òa khóc nức nở, ” em xin lỗi “, anh ôm lấy cô vỗ về, vỗ về như ngày xưa anh vẫn thường được làm như vậy.

” Choang “- Anh và cô chạy nhanh xuống bếp.

– Mẹ xin lỗi, mẹ nghe con thèm chè hạt sen nên mẹ đi nấu, nhưng…Giọng mẹ run run không dám nhìn về phía trước, cúi người nhặt những mảnh vỡ vừa rơi.

– Mẹ à – Cô chạy đến nắm lấy bàn tay xương xương của mẹ – Từ nay mẹ đừng phiền nữa nhé, để con phiền mẹ cho – Cô ôm chặt mẹ, nước mắt thấm đẫm vai áo mẹ, mẹ nhìn anh, anh nhìn cô trong lòng của mẹ.

” Mẹ đã không sinh lầm con và con cũng đã không chọn nhầm dâu cho mẹ, phải không ạ?”

Con gái Ruby của tui!


Ruby được hơn 7t rồi, trong mắt mẹ con càng lớn càng dễ thương, xinh xắn, ngoan và hiểu chuyện. Tính cách của con giống ba rất nhiều, hay nghĩ, hay lo xa và hay ghen để giữ ba thay cho mẹ…:)

Image

Những tháng này là những tháng cuối cùng của mẹ trước khi để con và em gái gặp nhau, nên mẹ khá là nặng nề và mệt nhọc. Hôm qua vì thời tiết mẹ lại bị cảm cúm và ho suốt mấy ngày liền, mà mỗi lần ho thì cả mẹ và em đều căng cứng bụng, rất khó chịu.

Con chỉ mới là 1 bé gái 7t, ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng con rất để ý. Cho dù con đang làm gì, chơi cờ vua với ba hay là xem hoạt hình, cứ thấy giọng mẹ khù khụ cất lên là con bỏ hết, chạy lại ôm mẹ, vuốt ngực cho mẹ và bảo “Mẹ ơi, cố lên, rồi sẽ qua thôi mà”

Image

Con 7t, con còn quá đỗi ngây thơ đâu biết là ba đôi khi hay chọc con, hay trêu đùa với con bằng cách nói ba thích các cô gái đẹp. Thế là trong đầu con gái bao giờ cũng có một tư thế đề phòng với tất cả các câu nói của ba mà có 3 chữ “cô gái đẹp”, ngay lập tức con sẽ suy luận ra rằng ba sẽ bỏ mẹ bỏ con mà đi với các cô gái đẹp. Sự đề phòng đó mẹ thấy nó được hình thành như một phản xạ có điều kiện trong con. 

Mỗi lần ba đưa/đón con đi học, chỉ cần ba nhìn ai đó ngoài đường là con ngồi sau lưng lập tức “tằng hắng”, không thì con đập vào lưng ba hay thậm chí là dùng bàn tay bé xíu của con để che mắt, không cho ba thấy “cô gái đẹp”.

Tối hôm qua con và ba nằm tâm sự, ba bảo con kể chuyện lớp con có 15 bạn gái mà chỉ có mình con đăng ký học võ ở trường.

– Ba: Lớp võ của con có bao nhiêu cô thầy dạy hả con?

– Ruby: Dạ, có 3 cô và 1 thầy.

– Ba: Cô dễ thương không con?

– Ruby: im lặng hồi lâu, không trả lời mà lại hỏi: Ba hỏi chi vậy?

– Ba: vẫn còn chưa hiểu “tâm ý của con”, vô tư đáp: thì ba hỏi xem cô dạy con tốt không?

– Ruby: chứ hổng phải là ba lại thích “cô gái đẹp” hả?

Xem chừng không “ép phê”, con còn bồi thêm:

– Ruby: cô xấu quắc à ba ơi…

– Ba:????

Image

Ôi, con gái của mẹ, thật là đáng iu vô cùng. Được làm mẹ của con, mẹ tự hào và sung sướng biết bao. Giờ đây, khi con chuẩn bị có một cô em gái, ba mẹ chưa bao giờ hối tiếc hay suy nghĩ có một cậu con trai như nhiều gia đình khác. Chỉ cần em cũng ngoan và biết nghĩ như con, thì ba mẹ hạnh phúc vô cùng. Và mẹ biết chắc 1 điều rằng, con sẽ là tấm gương tốt cho em con noi theo, đừng lo gì con nhé. Mẹ yêu con vô cùng, Ruby của mẹ!

 

CÀ RỐT VÀ CỦ HÀNH



Image

Bố và mẹ cùng dựng xe, bước nhanh đến chỗ hai đứa trẻ. Cà Rốt giật giật tay Củ Hành: “Nhìn kìa. Bố nắm tay mẹ”. Củ Hành toét miệng cười: “Em đã bảo mà. Chơi mãi trò ly dị, chán lắm”..

*

Cầu thang xoáy ốc nằm bên hông nhà. Nó chỉ mới được làm cách đây sáu tháng, lúc bố và mẹ ly dị nhau. Khi thấy bố đứng chỉ huy các ông thợ xây cầu thang. Cà Rốt và Củ Hành đều thắc mắc: “Bố xây cầu thang ở ngoài làm gì nhỉ? Đã có một cái trong nhà rồi”.

Mẹ đưa mắt nhìn hai đứa rồi cúi xuống, lặng thinh. Cà Rốt bảo Củ Hành: “Chắc là để phơi quần áo đấy mà”. Củ Hành ngẫm nghĩ một lát rồi bảo: “Ừ, chắc vậy. Bên nhà Mi Mi cũng phơi quần áo ở cầu thang”.

 

Không thắc mắc nữa, hai đứa ngồi xuống, chơi trò xếp hình, thỉnh thoảng lại cười lên khanh khách. Một tuần sau, khi cầu thang xây xong, đi học về, Cà Rốt và Củ Hành ngạc nhiên thấy trong nhà mọc thêm một cánh cửa. Cánh cửa này bịt kín lối đi lên lầu. Mẹ giải thích với Cà Rốt: “Kể từ hôm nay, con sẽ ở dưới này với mẹ”. Bố cũng giải thích với Củ Hành: “Con lên lầu sống với bố”.

Thế là Cà Rốt và Củ Hành hiểu rằng, ly dị nghĩa là không sống chung một nhà nữa, phải chia ra làm hai nơi. Con cái cũng chia làm đôi, mỗi người một đứa. Cà Rốt giãy lên khóc: “Bố mẹ ly dị thì ly dị. Con với Củ Hành không ly dị đâu”. Củ Hành cũng khóc ti tỉ: “Con muốn ở chung với Cà Rốt. Con không lên lầu”.

Bố, một tay xách va ly, một tay xốc Củ Hành: “Thôi, đừng có rối rít nữa. Lên nhà ngay”. Mẹ, hai mắt ầng ậng nước, đứng sững nhìn Cà Rốt lôi chân bố. Cà Rốt hét: “Để Củ Hành lại. Con ghét bố. Con ghét bố”. Trên tay bố, Củ Hành giãy giụa: “Thả con xuống. Thả con xuống. Con không đi với bố đâu”.

Nhưng bố đã ra đến cửa rồi. Cà Rốt khóc òa. Trong nhà, mẹ ngồi thụp xuống đất, úp mặt vào hai đầu gối. Sao lại bắt trẻ con phải chịu cảnh này, trời ơi!

Buổi sáng, mẹ luôn chở Cà Rốt đến trường sớm. Mãi một lúc sau mới thấy Củ Hành lếch thếch chạy vào. Cà Rốt hỏi: “Hôm nào cũng đi muộn thế?”. Củ Hành chu chu cái miệng, hít mũi đánh sột: “Bố ngủ quên. Em phải đánh thức đấy”. Cà Rốt lại hỏi: “Thế bố có pha sữa cho Củ Hành uống trước khi đi học không?”. Củ Hành lắc đầu: “Em tự pha. Dễ lắm. Đổ sữa vào cốc, thêm nước vào, khuấy lên. Nhưng mà nó nhạt phèo, chả ngọt như mẹ pha lúc trước”.

Cà Rốt xịu mặt: “Chứ bố làm gì mà không pha cho Củ Hành?”. Củ Hành nghiêng nghiêng đầu, ra vẻ suy nghĩ: “À, bố cứ nằm mãi ở giường, gác tay lên trán. Có khi bố bận đánh răng”. Cà Rốt bảo: “Bố thế là hư rồi”.

Hai chị em nắm tay nhau đi vào lớp học. Lớp Chồi của Củ Hành ở ngay cạnh lớp Lá của Cà Rốt. Thỉnh thoảng, hai đứa lại vờ vĩnh chạy ra cửa để ngó nghiêng vào lớp đứa kia. Gặp nhau ở trường sướng thật. Cà Rốt và Củ Hành chán nhất khi phải về nhà. Lúc đó, mỗi đứa lại phải ở một nơi.

Giờ ra chơi, Cà Rốt và Củ Hành không thích nô đùa cùng các bạn. Hai đứa cùng ngồi trên ghế xích đu, vừa ăn bánh sữa, vừa trò chuyện. Củ Hành kể: “Hôm qua bố ngồi vá quần cho em, bị kim chọc vào tay, kêu ui da, buồn cười lắm”.
Cà Rốt cũng khúc khích: “Còn mẹ sửa cái bếp điện mãi mà không xong, hễ cắm dây vào là nổ cầu chì. Sau phải nhờ chú Ngân sửa mới xong đấy”.

Củ Hành xịu mặt: “Sao mẹ không gọi bố mà lại nhờ chú Ngân?”, Cà Rốt dí ngón tay xinh xinh vào trán Củ Hành: “Ngốc thế. Ly dị rồi là không có nhờ vả chuyện gì cả”. Củ Hành hỏi: “Mẹ bảo thế à?”. Cà Rốt gật đầu: “Ừ”. Củ Hành cáu: “Chán mẹ lắm. Tự nhiên lại ly dị”. Cà Rốt gật đầu ra vẻ đồng tình, mặt buồn thiu …

Một hôm … Khi mẹ đến đón Cà Rốt, chiều đã muộn lắm rồi. Thế mà bố vẫn chưa đến đón Củ Hành. Cô giáo đưa mắt nhìn hai đứa trẻ vui vẻ chơi lò cò trên sân rồi băn khoăn nói với mẹ: “Hôm nay ở nhà em có việc. Không biết chừng nào anh mới đến đón cháu?”.

Mẹ bảo: “Thôi, để tôi đưa cháu về luôn”. Củ Hành tròn mắt: “Mẹ cho con về chung với Cà Rốt hả?”. Mẹ gật đầu. Hai đứa nhảy tưng tưng vì mừng. Trên xe, Cà Rốt và Củ Hành nói cười luôn miệng. Vào nhà, Củ Hành lăng xăng chạy tới, chạy lui. Tất cả đều quen thuộc. Thích quá.

Cà Rốt đột nhiên người lớn hẳn. Con bé nhìn em một cách bao dung: “Chạy vừa thôi. Đi tắm rồi còn ăn cơm chứ”.
Củ Hành vẫn chạy lui, chạy tới” “Em thích chạy”. Hai tay cu cậu dang rộng như lái máy bay, quẹt cả vào người Cà Rốt: “Ôi, ôi, thích quá. Xê ra cho máy bay bay nào”.

Khi bố về, trời đã khuya lắm. Bố đứng lựng khựng trước cửa, khẽ hắng giọng rồi lại đứng im. Mẹ đẩy cánh cửa mở hé cho rộng thêm, bảo: “Anh vào đi”. Bố rón rén bước vào. Nhà im phăng phắc. Hai đứa trẻ đang ngủ ngon trong giường. Mẹ bảo: “Anh để Củ Hành ngủ ở đây một đêm cũng được. Đừng đánh thức nó nửa chừng”. Bố nói nhỏ: “Anh xin lỗi. Có việc đột xuất nên không thể đến đón nó đúng giờ”. Mẹ lạnh lùng: “Người anh cần xin lỗi là nó chứ không phải em”.

Bố đứng như chôn chân trước giường ngủ của hai đứa trẻ. Dưới ánh đèn mờ nhạt, hai gương mặt bầu bĩnh kề sát nhau thật ngây thơ, đáng yêu. Củ Hành ngủ say, miệng chóp chép nhai trong giấc mơ, bàn tay vẫn nắm chặt tay Cà Rốt. Con chị nằm gác chân lên người em, hai mắt nhắm tịt, nhưng miệng lại tủm tỉm cười.

Hai vai bố như xệ hẳn xuống. Bố nói mà không nhìn mẹ: “Sao mình lại để mọi sự trở nên tồi tệ thế này hả em?”. Hai người ngồi đối diện trong một quán cà phê. Trước mặt anh, chiếc gạt tàn đã đầy ắp tàn thuốc lá. Ly nước của chị cũng cạn đến đáy rồi. Cuộc trò chuyện lâu hơn họ nghĩ.

Khi anh nói tên quán cà phê, chị đã rùng mình. Đó là nơi hai người từng hẹn hò nhau từ lúc mới yêu. Chiếc bàn trong góc cũng là bàn quen thuộc. Anh muốn nhắc nhở chị điều gì chứ, khi chính anh là kẻ có lỗi trăm bề?

Chị không thể tha thứ, mặc dù anh đã quỳ xuống chân chị xin lỗi rất nhiều lần. Niềm tin và tình yêu chị dành cho anh quá lớn, đến nỗi khi biết sự phản bội của anh, chị bất ngờ đến sửng sốt, tê dại cả người. Quyết định ly hôn của chị làm mọi người ái ngại. Mẹ chị khuyên: “Nó đã biết lỗi thì tha thứ đi con ạ. Như mẹ từng tha thứ bố mày ấy”.

Có lẽ trong tình yêu, khó có lời khuyên nào áp dụng thật chính xác cho từng trường hợp. Chị biết rõ mình không thể lướt quá mọi chuyện được như mẹ, xem như không có gì. Sống tiếp tục với anh, Chị chịu không nổi.

Khi chị nói thẳng điều đó, anh lặng người. Trông chị như một người khác hẳn, quyết liệt và lạnh lùng. Anh cố vớt vát bằng cách đem Cà Rốt và Củ Hành ra thuyết phục: “Em ơi, đừng để các con phải liên lụy. Em muốn trừng phạt anh thế nào cũng được, nhưng đừng ly dị , được không?”. Chị tàn nhẫn nhìn anh: “Không ly dị, để sống giả dối như nhiều người khác sao? Em không muốn vậy. Khi các con lớn, chúng nó sẽ hiểu”.

Nước mắt ứa ra, anh khóc không kiềm chế trước mặt chị, nhưng chị vẫn dửng dưng. Lòng chị đã nguội lạnh hẳn kể từ khi biết anh phản bội. Kể từ giờ phút này, chị sẽ chỉ cư xử như một người không có trái tim. Ra tòa, anh bảo: “Tôi có lỗi. Tòa cứ xử theo ý vợ tôi. Sao cũng được”. Chị lạnh lùng đề nghị: “Chia đôi mọi thứ. Anh ấy và con trai ở trên lầu. Tôi và con gái ở dưới nhà. Xây lối đi riêng, không ai làm phiền ai”.

Họ đã ly dị được hơn nửa năm. Cà Rốt và Củ Hành dần dà cũng quen cuộc sống chia đôi của bố mẹ. Bố thì dễ rồi. Nhà bố thường mở cửa rộng, Cà Rốt muốn lên lúc nào cũng được. Nhưng con bé không dám. Mẹ khe khắt lắm. Một lần thấy Cà Rốt lên nhà với bố, mẹ giận dữ quát ầm lên. Cà Rốt phải lủi thủi đi về trước ánh mắt buồn rầu của bố. Từ đó, nhà mẹ luôn đóng cửa. Cà Rốt và Củ Hành chỉ còn gặp nhau lúc đi nhà trẻ.

Image

Cũng may là mẹ không đổi trường. Chứ nếu mẹ đổi, hai chị em sẽ lâm vào hoàn cảnh “gần nhà xa ngõ” cho xem. Thường lệ, bố đưa Củ Hành đi học muộn, nhưng luôn đó sớm nửa giờ. Bố xin cô giáo được gặp Cà Rốt. Ban đầu, cô giáo cũng lúng túng, khó xử vì như thế là sai quy định của trường. Nhưng nhìn ánh mắt van nài của bố, cô thấy tội.

Cô bảo: “Anh đừng gặp cháu lâu quá. Mười lăm phút được rồi”. Bố mừng rỡ, vâng dạ rối rít. Thế là hai bố con được gặp nhau trò chuyện mỗi ngày. Bố hay hỏi Cà Rốt: “Mẹ có khoẻ không? Tối mẹ có thức khuya không? Mẹ có hay khóc không?”. Rồi bố xoa nắn chân tay, ôm Cà Rốt vào lòng, hôn lên đôi má bầu bĩnh của con mà nước mắt ứa ra.

Bố dặn: “Đừng cho mẹ biết bố hay gặp con nhé”. Bố không dặn, Cà Rốt cũng giấu kín. Dại gì nói ra cho mẹ cấm nhỉ? Nó còn dặn ngược lại bố: “Bố nhớ đón Củ Hành trước khi mẹ đón con nhé. Để mẹ đừng thấy bố con mình gặp nhau”. Bố lại chảy nước mắt. Chỉ mới nửa năm mà Cà Rốt đã “bà cụ non” như thế rồi sao? Bố hối hận quá.

Trưa hôm ấy, đột nhiên bố nhìn thấy mẹ ở ngã tư đường. Mẹ đang đứng mặc cả để mua trái cây, không nhìn thấy bố. Gương mặt mẹ trắng trẻo, ửng hồng dưới nắng. Chiếc áo màu tím và bờ vai quen thuộc làm lòng bố nhói đau. Lập tức, bố chạy xe lên vỉa hè, tấp vào sau một gốc cây, âm thầm nhìn mẹ. Khi mẹ đi rồi, bố vẫn đứng lặng nhìn theo đốm màu tím nhỏ dần rồi khuất hẳn.

Tự nhiên, bố mệt mỏi đến cực độ. Móc trong túi chiếc điện thoại di động, bố gọi về cơ quan, cáo ốm để xin nghỉ buổi chiều. Từ ngã tư gặp mẹ, bố đi lòng vòng, lòng vòng mãi dưới nắng rồi tấp vào một quán bia quen. Từng chai, từng chai, bố uống cạn.

Người chủ quán đến kéo ghế ngồi chung: “Sầu đời hả bạn? Để tôi uống cùng”. Không hiểu sao bố lại uống nhiều như vậy? Và nói nhiều nữa. Bố nói hết những ẩn ức trong lòng. Rằng bố yêu mẹ lắm. Từ khi mẹ ly dị bố, bố càng yêu mẹ hơn.

Nhưng bố cũng oán mẹ nhiều bằng bố yêu mẹ. Rằng sao mẹ sắt thép, cứng lòng như thế? Rằng tội nhân phạm tội trọng, khi hối lỗi còn được ân xá, mà mẹ thì kiên quyết chặt đứt đường về của bố. Rằng bố nhớ Cà Rốt biết bao. Bố thèm ăn cơm của mẹ nấu biết bao. Tại sao mẹ có thể quên đi những ngày hạnh phúc của mẹ và bố?

Tại sao mẹ chỉ nhớ tội lỗi xấu xa của bố mà quên những kỷ niệm đẹp bố từng làm?…
Càng nói, bố càng uống. Người chủ quán bỏ đi lúc nào, bố cũng không biết. Đèn đường lên lúc nào, bố cũng không hay. Bố quên luôn giờ đó Củ Hành. Mà bố đón làm sao được khi đã gục trên bàn ngủ thiếp thế kia?

Hai người ngồi đối diện trong quán cà phê quen thuộc. Chỗ ngồi và chiếc bàn cũng quen thuộc.

Anh hút thuốc liên tục. Chiếc gạt tàn dần đầy lên. Mấy lần chị suýt bảo anh ngưng hút, nhưng lại bặm môi im lặng. Bây giờ, anh muốn làm gì cứ làm, chị chẳng quan tâm. Nhưng khi anh cất tiếng, sự căng thẳng của chị chùng dần. Rồi nước mắt chị rớt xuống.
Anh bảo: “Anh vẫn lén gặp Cà Rốt mỗi chiều ở trường. Anh nhớ con lắm. Nhớ mùi mồ hôi của nó. Nhớ những câu hỏi vặn vẹo khiến anh điên đầu trước kia. Anh cũng nhớ em. Mỗi đêm, anh đều nằm áp tai xuống gạch, lắng nghe tiếng động ở dưới nhà để tưởng tượng em đang làm gì? Cà Rốt đang làm gì?”.

“Có hôm, anh ra cầu thang xoáy, áp tai vào vạch như một thằng ăn trộm, thèm nghe một tiếng em cười mà không được. Một lần, anh đang ngồi như thế thì Củ Hành thức dậy. Nó mò ra cầu thang xoáy và thấy anh ở đấy. Hai bố con anh đã ôm nhau ngồi rất lâu để chỉ nói về em và Cà Rốt. Củ Hành bảo: “Con ghét ly dị. Con nhớ mẹ và Cà Rốt. Con muốn uống sữa mẹ pha. Bố ơi, đừng chơi trò ly dị nữa nhé”.

“Đây là trò chơi hả em? Anh cũng ước nó chỉ là trò chơi để mình chấm dứt, không chơi nữa. Trò chơi gì mà tàn nhẫn quá, làm khổ cả bốn người? Em muốn anh phải làm gì bây giờ để được em tha thứ? Sao em lại giao Củ Hành cho anh mà không giữ cả hai đứa với nhau? Phải chăng em muốn anh nhìn rõ tội lỗi của mình? Rằng vì anh mà con cái phải mỗi đứa mỗi nơi?”.

“Anh nhìn rõ lắm rồi, em ơi. Nhất là đêm hôm qua, khi anh đứng nhìn hai đứa con mình ngủ trong giường. Em cho anh gửi Củ Hành lại.

Ngày mai, anh thuê người tới đập cầu thang xoáy bên ngoài, mở lại lối cầu thang bên trong. Em không muốn thấy mặt anh nữa thì để anh đi, miễn em được thoải mái. Miễn Cà Rốt và Củ Hành được sống bên nhau”. “Anh không đem theo một thứ gì cả, cũng không cần tiền. Khi hạnh phúc đã mất, tiền bạc, tài sản cũng thành vô nghĩa. Hôm nay, anh mời em ra đây chỉ để nói với em như thế mà thôi …”.

Nước mắt chị chảy tràn. Trên tất cả mọi điều, chị vẫn còn yêu anh lắm. Anh là người đàn ông duy nhất mà chị yêu. Xa anh, chị không chỉ hành hạ anh mà còn hành hạ chính mình. Chị biết chuyện anh gặp Cà Rốt mỗi ngày. Biết tất cả.

Trẻ con ngủ mớ thường nói ra hết những gì chúng cất trong lòng. Nửa đêm, Cà Rốt ôm cổ mẹ mà tưởng là bố, thủ thỉ: “Mẹ sửa bếp điện mãi mà không được, cứ bị giật hoài, bố ạ. Tội nghiệp mẹ nhỉ? Còn bố vá quần cho Củ Hành bị kim đâm vào tay phải không? Cũng tội nghiệp bố luôn. À, ngày mai khi bố đến, bố mua cho con que kem nhé. Con thèm ăn kem lắm, nhưng mẹ chẳng mua gì cả …”.

Rồi Cà Rốt lại nói, như nói với Củ Hành: “Ngày mai chị bảo mẹ pha sữa rồi đổ vào chai, đem đi cho Củ Hành nghe. Hay chị giấu mẹ, đổ sữa của chị vào chai cũng được. Chị uống mãi, chán lắm. Còn Củ hành lại thèm …”.

Càng nghe, chị càng xót. Chui đầu vào gối, chị cắn răng khóc rưng rức. Chị cũng nhớ Củ Hành, nhớ anh đến điên dại. Đêm nằm, chị cũng lắng nghe bước chân anh đi đi, lại lại trên lầu. Thỉnh thoảng, chị lại lục tủ lấy chiếc áo của anh ấp mặt vào và khóc thầm. Nghe tiếng anh ho, lòng chị nhói buốt

Nhìn đôi mắt thâm quầng của chị, mẹ lắc đầu: “Ghen có năm bảy đường ghen, nhưng ghen mà đày ải mình như mày, mẹ mới thấy có một. Nghe lời mẹ, tha lỗi cho chồng đi con. Tao nghe người ta bảo dạo này nó cũng sa sút tinh thần, sức khoẻ tồi tệ lắm …”.

Chị gắt: “Mẹ nói cứ như đùa. Đã ly dị rồi mà còn tha thứ nỗi gì. Mẹ đừng làm con rối tung lên nữa”.

Mẹ dỗi: “Vâng, tôi xin lỗi. Chuyện của chị tôi không có quyền xía vào. Nhưng tôi xót cho cháu tôi lắm. Chúng nó có lỗi gì mà phải xa bố, xa mẹ, sống mỗi đứa mỗi nơi chứ? Cứ ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình thì đừng sinh chúng nó ra. Ngày trước ấy à? Tôi mà không tha thứ cho bố chị, giờ này không chừng chị sống với mẹ ghẻ, chứ không phải tôi đâu”.

Nghe mẹ nói mà chị lạnh cả người. Sao chị không nghĩ ra điều ấy nhỉ? Nếu …, nếu người đàn bà kia trở thành mẹ ghẻ của Củ Hành, chị biết làm thế nào? Chị không muốn điều ấy xảy ra. Không phải vì chị sợ bà mẹ ghẻ ấy không thương yêu Củ Hành. Cái chính là trong sâu thẳm tâm hồn, chị không muốn mất anh.

Mắt chị càng thâm quầng hơn vì những đêm mất ngủ. Chị hối hận vì đã quyết liệt ly dị chồng.

Anh lặng lẽ nhìn chị. Câu hỏi bật ra khiến anh cũng run rẩy cả người: “Em còn yêu anh không? Em thù ghét anh, ly dị anh, nhưng trong lòng em còn yêu thương anh chút nào không? Nếu còn, dù chỉ là sợi chỉ mong manh, anh cũng xin em cho anh một cơ hội để làm lại từ đầu. Anh ngàn lần cầu xin em …”.

Nước mắt nhòa nhạt, nghẹn cứng trong lồng ngực, chị cứ nức nở, nức nở mãi. Thế rồi, chị đặt bàn tay run rẩy của mình lên tay anh. Anh lặng người.

Ở nhà trẻ, chỉ còn Cà Rốt và Củ Hành chơi lò cò trên sân. Củ Hành bảo: “Hôm nay bố lại quên đón em rồi”. Cà Rốt cười: “Thì về với mẹ và chị . Càng sướng”. Củ Hành lại bảo: “Nhưng sao hôm nay mẹ cũng đó chị muộn thế?”. Cà Rốt tròn xoe mắt: “Ừ nhỉ”.

Hai đứa không chơi lò cò nữa, đứng gí mũi vào ô mắt cáo. Vừa lúc đó, những ánh đèn loang loáng rọi vào. Củ Hành reo: “Bố đến rồi”. Cà Rốt cũng reo: “Mẹ đến rồi”.

Bố và mẹ cùng dựng xe, bước nhanh đến chỗ hai đứa trẻ. Cà Rốt giật giật tay Củ Hành: “Nhìn kìa. Bố nắm tay mẹ”. Củ Hành toét miệng cười: “Em đã bảo mà. Chơi mãi trò ly dị, chán lắm”..

Tác giả : Phạm Thị Ngọc Liên

Tiểu công chúa nhà Ruby!


Đây là hình tiểu công chúa của nhà Ruby lúc được 22w5d tuổi :), lúc này cô nàng năng 560gr và chiều dài xương đùi là 41mm, xương mũi là 9mm, hi vọng tương lai sẽ là “hot girl” con nhé!

Image

Thành viên mới – Sự phát triển của em bé trong suốt 40 tuần mang thai!


Gia đình Ruby lại sắp đón thêm 1 thành viên mới, là một tiểu công chúa nữa. Tuy mọi người thường nói, nếu có đủ nếp đủ tẻ thì sẽ là gia đình hoàn hảo, nhưng với tôi, hành trình mang thai vượt cạn là một điều kỳ diệu của tạo hóa mà mình chính là người trải nghiệm, và em bé nào dù là trai hay gái đến với Gia đình Ruby chắc chắn cũng sẽ có được tình yêu vô bờ bến của ba mẹ và của chị 2 Ruby. Phàm là con người thì hay ao ước những gì mà mình không có được, nhưng nếu biết hài lòng với những gì có được, thì mới cảm nhận được đâu là hạnh phúc, tôi nghĩ vậy….

Tôi đọc được một bài nghiên cứu rất hay về sự phát triển của thai nhi trong suốt 40 tuần, chia sẻ với mọi người nhé:

– Quá trình thụ tinh:

Image

– Tuần thứ 3: Bé đang dần hình thành trong tử cung của mẹ:

Image

 

– Tuần thứ 4: Bé chỉ là một phôi thai rất nhỏ

Image

– Tuần thứ 5: Não bộ là cơ quan phát triển đầu tiên của bé:

Image

 

– Tuần thứ 6: Có một trái tim bé xíu đang bắt đầu đập cùng với mẹ rồi

Image

– Tuần thứ 7: Bé bắt đầu có các màng ở ngón tay và ngón chân như con vịt ấy

Image

– Tuần thứ 8: Bé đã cử động được khủy tay và đầu gối rồi đó

Image

– Tuần thứ 9: Mí mắt của bé xuất hiện

Image

– Tuần thứ 10: Bé sẽ liên tục chơi trò nắm chặt tay rồi mở lòng bàn tay

Image

– Tuần thứ 11: Bé rất bận rộn với việc đá chân

Image

 

– Tuần thứ 12: Các khớp thần kinh được hình thành trong não bộ của bé

Image

– Tuần thứ 13: Bé đã xuất hiện các dấu vân tay rồi nha

Image

– Tuần 14: Bé có thể nhăn mặt hoặc nheo mắt

Image

– Tuần thứ 16: Trái tim của bé hoàn chỉnh hơn, đập nhanh hơn

Image

 

– Tuần 17: Xương của bé cứng cáp hơn, bé cần nhiều canxi hơn

Image

– Tuần 18: Tai của bé càng ngày càng rõ ràng hơn

Image

– Tuần 19: Bạn nói gì, âm thanh bên ngoài như thế nào, bé có thể nghe rõ mồn một

Image

– Tuần 20: Bé biết nuốt

Image

– Tuần thứ 21: Lông mày của bé dần được hình thàn

Image

– Tuần 22: Thời điểm này bé cần nhiều vitamin và khoáng chất để phát triển mạnh mẽ

Image

– Tuần thứ 23: Bé của bạn cảm nhận sự di chuyển của mẹ

Image

– Tuần thứ 24: Vị giác của bé đã bắt đầu hoạt động

Image

– Tuần 25: Tóc của bé bắt đầu mọc, có màu sắc

Image

 

– Tuần 26: Các chất béo được hình thành dưới da của bé

Image

– Tuần thứ 27: Bé có thể cảm nhận được cảm xúc của mẹImage 

– Tuần thứ 28: Bé có thể mở mắt, chớp mắt

Image

– Tuần thứ 29: Hàng tỷ tế bào thần kinh đang được phát triển trong não bộ của bé

Image

– Tuần thứ 30: Bé có thể nhận biết được sự thay đổi ánh sáng qua bụng mẹ

Image

– Tuần 31: Bé có thể quay đầu từ bên này sang bên kia

Image

– Tuần thứ 32: Móng tay của bé bắt đầu xuất hiện

Image

– Tuần thứ 33: Bé ngày càng lớn lên trong bụng mẹ, da dẻ bé căng ra, không còn nhăn nheo như ban đầu

Image

– Tuần thứ 34: Phổi của bé đang phát triển

Image

– Tuần 35: Các phát triển thể chất của bé dần được hoàn thiện để chờ ngày ra đời

Image

– Tuần 36: Bé tăng cân nhanh chóng mỗi ngày

Image

– Tuần thứ 37: Thời điểm này, bé có thể chào đời 

Image– 

– Tuần 38: Bé đã sẵn sàng để nắm ngón tay của mẹ

Image

– Tuần 39: Cân nặng của bé khi ra đời trung bình khoảng 2,9 – 3,4kg

Image

– Tuần 40: Đầu của bé chúi xuống sẵn sàng cùng mẹ trải qua cơn vượt cạn

Image

 

Thắt bím kiểu thác đổ!


Tôi thích thắt bím, vì vậy mái tóc của con gái Ruby trở thành ma nơ canh di động cho mẹ làm tóc kính thưa đủ các loại bím tóc, nhưng điều khổ nhất là con gái không bao giờ để yên cái đầu 1 chỗ cho mẹ thắt cả…vì thế bao giờ khi thắt bím cho con là trên tay con phải có ipad hoặc cell phone… khi đó thì tha hồ mẹ muốn làm gì con cũng được cả. 

Image

Hôm nay con gái mẹ đã vào lớp 2 của Trường Tiểu học Võ Trường Toàn Q10 rồi đấy, mẹ biến tấu 1 chút kiểu thắt bím thác đổ cho nó gọn gàng, con nhé

ImageVie

Sự trở lại trong năm 2013…


Sau 1,5 năm lặn ngụp với trang mạng xã hội FB, cuối cùng tôi chọn website của gia đình ruby. Có lẽ tôi không hợp với FB, nơi mà mọi người trên khắp thế giới hiện đang điên cuồng vì nó, thậm chí có bạn còn làm những chuyện rồ dại vì những ảnh hưởng của trang mạng xã hội này. Cái tôi cần là vừa đủ sự riêng tư và vừa đủ công nghệ…chứ không phải lây lan như một loại virus mà chúng ta không thể kiểm soát được. Website này như một cuốn nhật ký của tôi, hay là nơi tôi có thể chia sẻ những niềm đam mê của mình cho những ai có cùng sở thích, cùng suy nghĩ với mình. Với tôi vậy là đủ, không cần phải kết bạn với quá nhiều người khi mà họ thật sự không biết bạn là ai, thậm chí còn không đủ thời gian để đọc những gì bạn viết, để hiểu con người bạn như thế nào, nhưng vẫn cứ comment như điên như dại, thật sự đó là điều tôi không thể nào quen được. Thôi thì ta về ta tắm ao ta vậy, cổ điển cũng không hẳn là không hay, phải không?

Image

Phở tái bò viên – món ngon xứ Việt!


Tui thích ăn bò viên, và bò viên ở chợ Cũ theo tui là ngon nhất vì ko cho nhiều bột. Hôm nay nấu phở tái bò viên cho cả nhà.

Vật liệu: (cho gia đình 3 người)
– 300 gr xương bò (xương ống)
– 200 gr thịt bò mềm xắt mỏng để làm thịt tái
– 3 củ hành ta nướng
– 1 miếng gừng nướng
– Muối, nước mắm,đường, bột ngọt (tùy ý)
– 500 gr Bánh phở tươi
– 5 bông hồi, 1 miếng quế bằng ngón tay
– 1 củ hành tây xắt thiệt mỏng
– Hành lá + ngò xắt nhỏ
– Rau quế, ngò gai, giá, chanh, ớt trái xắt lát mỏng
– Tương ớt, tương đen (Hoisin Sauce)
– bò viên (tùy ý)

Cách làm: 
Xương bò rửa với nước ấm cho sạch, thả vô nước sôi luột chừng 10 phút. Đổ ra rửa lại với nước lạnh thêm 1 lần nữa cho phở không bị hôi mùi bò, để lửa lớn. Khi bọt nổi lên hớt thật sạch cho nước lèo được trong, sau đó bớt lửa chỉ để sôi lăn tăn. Cho muối, đường phèn, bột ngọt, nước mắm + mấy củ hành nướng đập dập + gừng nướng đập dập + (hồi + quế cho vào túi vải) thả vào nồi nước lèo. Hầm khoảng 1,5-2 giờ là được.  Nêm lại nước lèo cho vừa ăn.

Trụng sơ bánh phở tươi. Bỏ bánh phở vô tô, bày thịt bò tái + bò viên. Trên mặt cho 1 ít hành tây xắt mỏng, chan nước lèo đang nóng sôi vô tô. Rắt chút hành lá + ngò + tiêu.

Khi ăn cho giá , rau quế , ngò gai , tương ớt , chanh , ớt tươi xắt lát.

Cá sấu xào chua ngọt!


 

 

Chuẩn bị nguyên liệu:
1/2 kg cá sấu phi-lê, 1/4 củ hành băm, 1 quả ớt sừng, 1/2 quả ớt chuông xanh, 1 củ cà-rốt,  xà-lách, 1 thìa súp bột năng, hạt nêm, tương ớt, tương cà, dầu ăn, tiêu.

Cách thức chế biến:

Cá, ớt sừng, cà-rốt, ớt chuông thái vừa ăn. Khoai tây thái đôi, luộc chín cùng cà-rốt. Ướp cá với 1 thìa cà-phê hạt nêm, áo đều bột năng, rán vàng.

Phi hành với 1 thìa súp dầu ăn, cho cà-rốt, khoai tây, ớt sừng, ớt chuông vào xào. Nêm 1 thìa súp tương cà, 1 thìa súp tương ớt, 1/2 thìa súp hạt nêm, 2 thìa súp nước. Xào vừa chín, cho cá vào xốc đều. Cho ra đĩa có lót xà-lách, rắc tiêu.

Gà ác tiềm thuốc bắc!


Ngoại tui hay lắm nha, bà không học nhiều nhưng bà có 1 đặc điểm hay thay những câu nói thường ngày bằng ca dao. Tui học ở ngoại câu này:

“Yêu chồng nấu cháo ba ba
Nấu canh thiên lý nấu gà tiềm…chưng”

Hôm nay học làm vợ hiền, làm món gà ác tiềm thuốc bắc cho chồng, cách làm thì học từ 1 mẹ trong diễn đàn wtt.

Sơ chế gà:
xát qua tí muối và nhớ móc bỏ hai cái phổi, xả nước rửa sạch trong và ngoài con gà, để ráo.

Gia vị tần gà (cho 1 con gà 0,5kg):
1 gói thuốc bắc nhỏ – rửa qua
½ mớ ngải cứu – nhặt rửa sạch để ráo
1 mẩu gừng = đầu ngón tay – cạo vỏ đập dập
2 thìa café bột nêm gà hoặc bột gia vị Hải châu
½ thìa café đường

Thực hiện:
Cho1 thìa bột nêm + đường vào bên trong bụng gà, nhồi vào đó thuốc bắc, ngải cứu, gừng.
Cho gà + lưng bát ăn cơm nước sôi – hoặc nước dùng gà càng ngon + chỗ bột nêm còn lại vào bát ôtô sứ hoặc âu nhỏ. Đổ vào nồi cơm điện lưng bát ăn cơm nước sôi. Đặt âu gà (nhớ đậy nắp hoặc cái đĩa cho kín) vào trong nồi cơm điện bấm nút nấu . Nếu nồi nhà ai có chế độ nấu cháo thì dùng chế độ này là tốt nhất. Nếu ko có thì cứ bấm như nấu cơm bình thường – trong trường hợp nồi ko tự nhảy thì canh khoảng 30 phút bấm chuyển sang chế độ giữ ấm (warm). Để nguyên như thế thêm 30 phút nữa sẽ có một bát gà tần tuyệt hảo. Có thể rán bánh mì ăn kèm sẽ thấy ngon gấp nhiều lần so với gà tần Tống Duy Tân – các mẹ thử xem nhé.

Nếu trẻ con ko thích vị thuốc bắc thì có thể tần nấm hạt sen – thay thuốc bắc & ngải cứu = nấm hương, hạt sen & vài tai mộc nhĩ ngâm nở cũng rất ngon. (hạt sen khô phải luộc mềm trước, hạt sen tươi thì trần qua thôi)”

Bún riêu cua, món khoái khẩu của tui!


Tui rất thích các món bún, bún riêu, bún bò, bún cá.. Các món bún thì phải ăn với nhiều loại rau mới ngon, mà ăn ngoài thì hổng đảm bảo VSATTP cho lắm, thôi thì ta nấu ta ăn cho nó vệ sinh.

Nguyên liệu: Cua đồng sống: 500g, cà chua: 150g, hạt tiêu đỏ: 30g, đậu phụ: 5 bìa, bún: 2 kg, gia vị, hạt tiêu, ít đường, mắm tôm (theo sở thích). Rau sống nhiều loại: 600g, giấm bỗng rượu: 1kg, qủa chua: 100g, hành khô: 300g, hành sống phi thơm: 50g, ớt bột: 50g, hành lá: 100g.

Cách làm:

– Cua rửa sạch, bóc bỏ yếm, tách thân cua khỏi mai, khêu gạch cua ra bát. Phi thơm hành băm nhỏ với dầu điều xào gạch cua chín. Thân cua để ráo nước cho vào cối, thêm ít muối giã nghiêng chầy, sau đó hòa phần cua đã giã nhỏ với nước lạnh, bóp miết tay. Lọc cua lấy nước, bỏ bã.

– Cho nước cua đã lọc lên bếp đun nêm gia vị, đun sôi khi gạch cua nổi thì vớt gạch cua ra bát.

– Cà chua xắt làm 6, phi hành xào sơ qua. Rau sống rửa sạch, ngâm nước muối, vớt vẩy khô, khi ăn thái khúc một cm.

– Ớt bột hòa với nước, ít đường, dầu điều, hạt tiêu cho vào xong đun chín sánh múc ra bát.

– Cách làm nước dùng cua: Nước cua đun sôi lại cho cà chua, giấm bỗng, gạch cua đã xào, ít dầu điều, quả chua, đun sôi nếm gia vị sao cho có vị mặn, ngọt chua hơi đậm.

– Bún chần nước sôi, định lượng ra bát cho gạch cua vào cùng đậu phụ rán, hành chiên, ít hành hoa thái nhỏ, chan nước dùng nóng kèm một vài miếng cà chua ăn kèm rau sống, ớt xào, mắm tôm.

Gà kho gừng – món mặn cho gia đình!


Ngày xưa khi chưa có Ruby, nấu hay kho gì tui cũng hay dùng tiêu và ớt, để cho món ăn thêm đậm đà, cay cay, nồng nồng. Có con rồi tất cả món ăn dường như lạt lẽo hẳn đi, đành chịu vậy… con cái là hàng đầu mà. Ruby rất thích món gà kho gừng này của tui, vì gừng cũng không quá cay, thịt gà mằn mặn  cộng với nước sền sền sệt ăn cơm rất ngon… mà đặc biệt các món kho của tui phải dùng nồi đất thì mới đúng hương vị, kho bằng nồi nhôm hay inox trông nó thế nào ấy, không ngon hẳn…

Vật liệu:
– 1 bịch đùi gà trong siêu thị
– 1 nhánh gừng 50g.
– Tiêu, muối, đường, bột ngọt, tỏi, hành tím, dầu ăn, nước mắm.

Cách làm:

Chuẩn bị
Gà: rửa sạch, chặt vừa ăn, ướp: 1 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng súp đường, 2 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng súp tỏi băm, 1 muỗng súp hành băm, 2 muỗng súp nước mắm. Tui cũng hay cho 1 muỗng nước màu dừa để màu thịt gà lên cho đẹp.
Để gà thấm 30 phút.
Gừng: gọt vỏ, xắt mỏng, cắt sợi nhuyễn, ngắn.
Tỏi: băm nhuyễn

Chế biến
Nồi đất (hoặc chảo) để nóng cho 2 muỗng súp dầu, 2 muỗng súp đường, để lửa trung bình, đường ngả màu vàng cho gà vào xào nhanh tay, cho gừng vào. Xào cho gà thật thấm, cho nước vào ngập mặt gà, để lửa riu riu, gà chín mềm, nêm lại cho vừa ăn, nước sền sệt mới ngon.

Cháo gà cho con gái!


Ông bà nội của Ruby có mối gà ta rất ngon nên hay gửi gà xuống cho nhà. Gà ta dễ tiêu, nhẹ bụng   nên tôi hay nấu cháo gà cho cả nhà vì cháo là món ăn bình dị quen thuộc với mỗi gia đình trong những ngày hết gạo, khi ốm đau… Có lẽ, không có ai, từ lúc cất tiếng khóc chào đời đến khi trưởng thành lại không một lần ăn cháo. Cháo thân thuộc với dân Việt; hiện hữu khắp mọi miền trên đất nước; phong phú về chủng loại; đa dạng về cách chế biến. Cháo cũng là món dễ ăn và có thể chế biến thành nhiều loại khác nhau tùy theo sở thích của từng người. Có người thích ăn cháo trai, có người thích vị nhẹ nhàng không pha trộn của bát cháo trắng, có người lại thích vị cay nồng của món cháo lươn nổi tiếng xứ Nghệ hoặc tô cháo cảm của Thị Nở…

Riêng tôi thì từ nhỏ tôi đã lớn lên bằng tô cháo gà của ngoại. Thịt gà thì xé phay bóp gỏi,chấm nước mắm, còn thịt nạc thì cho ruby ăn cháo, đúng điệu Nam bộ. Ngoại thường bảo để có tô cháo gà ngon không phải ai cũng nấu được. Gạo nấu cháo phải là gạo ngon, thêm chút gạo nếp cho thơm và có độ sánh, không nên cho nhiều vì cháo dễ vữa nếu không ăn ngay. Cháo được nấu từ hạt gạo nguyên, không giã, nấu thật nhừ cho đến khi nước cháo dềnh lên vì nhựa, không đặc quánh như dạng cháo bột.Để có được nồi cháo ngon, người đầu bếp phải giữ cho nồi cháo luôn mới. Cháo ăn khi còn nóng chứ không thì mất ngon. Có lẽ học được chân truyền của ngoại nên tôi cũng hay nấu cháo cho con. Con gái tôi cũng cực kỳ thích món cháo gà. Mỗi lần tôi nấu là con ăn hoài không biết chán. Nấu ăn quả thật cũng là một niềm vui bất tận!

Sinh nhật Ruby – chuyện bây giờ mới kể


Sinh nhật Ruby tròn 4 tuổi vào tháng 2, lại trúng ngay ngày tết nên con gái chỉ được ba mẹ tổ chức một buổi cơm gia đình. Biết con gái thích mở quà, ba mẹ đã cố tình mua 5 món quà gói thành 5 gói, con vui thì ba mẹ cũng vui.


Thế hệ F2 của gia đình

Xôi mặn!


Lâu rồi không post bài nấu ăn cứ thấy nhơ nhớ sao á. Hôm nay không có nhiều thời gian vì làm việc mệt quá, sẵn ở nhà có chả lụa là thường trực, tui nấu xôi mặn cho cả nhà.

Nếp ngâm mềm vớt ra trộn vào ít muối , cho vào hông ở dưới cho lá dứa và hông chín
Chả , xúc xích cắt lát vừa ăn , trứng cút luộc chín
Cách làm dầu hành : đun dầu cho nóng và cho hành đã cắt nhỏ vào và đảo đều rồi bắt xuống
Trình bày : múc xôi ra đĩa cho chả , xúc xích , giăm bông , trứng cút hành phi , dầu hành , cuối cùngcho tương ớt và nước tương. Xôi mặn phải ăn nóng mới ngon! Măm thôi

Bánh chưng ngày tết cổ truyền Việt Nam!


“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Ngày tôi còn nhỏ, tôi thích nhất là khi sắp tết, được mẹ dẫn đi mua 1 bộ đồ mới để mặc vào dịp mùng 1 khi chúc tết ông bà, được cùng ba và bà ngoại lui cui chuẩn bị gạo, nếp nấu bánh tét. Ba tôi gói bánh tét rất đẹp, rất chặt tay…. Gói xong thì 2 cha con lui cùng nấu bánh tét, ba tui hay mở bài “Tết này con không về…” để nghe trong lúc ngồi canh nồi bánh tét.

Không học được cách gói bánh tét của ba, tui đành phải quay qua “thọ giáo” cách gói bánh chưng của ba mẹ anh Minh vậy. Mọi năm nhà chồng tui ko nấu bánh chưng, năm nay vì tui “vẽ vời” quá thành ra 28 tết cả nhà cứ lui cui nào nếp, nào đậu, nào thịt ba rọi…Ruby cũng vào cuộc, giúp thì ít mà đổ nếp ra ngoài thì nhiều…Àh mà nhờ vậy thì tui cũng biết cách gói bánh chưng, nấu được 11 cặp bánh chưng hoàn hảo á… thì ra gói bánh chưng cũng không khó như tui nghĩ…

Phần vỏ:- 2 ký nếp ngon
– Muối vừa đủ ( khoảng 2 muổng cà phê )
– Lá dong,( hay lá chuối )

– Lạt để cột

Nhân bánh:
– 700g đậu xanh cà
– 1 ký thịt đùi hay ba rọi

Cách làm:
Phần vỏ:
– Lá dong rửa sạnh để ráo, gọt bớt sóng lá cho mỏng, lau sạch để sẳn hoậc có thể đo lá cho vừa khuôn bánh, cắt lá và xếp.
– Mua dây lạt bán sẳn, Dây lạt trước khi gói, phải được ngâm nước cho mềm. ( Hoặc lấy dây nhợ cột thịt rôti cũng được)
– Nếp lượm những hạt thóc ra ( nếu có) , đem vo thật sạch, xong trộn muối vào nếp, xóc cho đều.

Phần nhân:
– Đậu xanh ngâm nước cho tróc vỏ, đãi sạch, chà đậu trong rổ cho rụng mầm đậu. ( Nếu có đậu xanh cà sẩn, thì cũng phải ngâm, và đãi đậu lại cho kỹ.
Bánh chưng lâu hư , nhờ vo nếp thật sạch, và đãi đậu
– Bánh chưng có thể làm với thịt đùi hay thịt ba rọi.
– Thịt rửa để ráo, cắt thịt thành từng miếng có bản rộng và dày từ 2,5 cm đến 3 cm.

Cách gói:
– Mỗi bánh chưng cần ít nhất 4 lá dong. Lá được xếp đôi theo chiều dài sống lá, cạnh xếp đôi được đo bằng cạnh khuôn bánh, ta có thể xén lá nhỏ hơn 1 hay 2 ly cho lá dễ lọt vào khung. – Trước khi gói bánh, đặt 2 sợi dây lạt theo hình chữ thập dưới khuôn bánh.
– Lớp là thứ nhất được xếp vào một góc khuôn. Thay vì để lá tràn đầy khuôn. Nhưng vì mặt lá này là bề mặt của bánh nên ta phải xếp lá cho gọn lại theo đường chéo như lá thứ nhất mà để nguyên cho đầy mặt khuôn.
– Lớp lá thứ hai được xếp vào góc đối diện với lớp lá thứ nhất. Lớp lá này ta không phải xếp chéo như lá thứ nhất mà để nguyên cho đầy mặt khuôn.
– Lớp thứ ba và thứ tư xếp vào 2 góc còn lại và được xếp như lớp là thứ hai.
Lưu ý tất cả mặt láng xanh của lá dong ( hay lá chuối ) được xếp vào trong, mặt mờ ra ngoài.
Sau khi đã xếp 4 lớp lá dong vào khuôn, ta xếp chèn thêm lá chuối ở 4 góc, lá chuối cũng được xếp hình góc như lá dong, chèn thêm lá để bánh không bị bể góc.
Sau cùng cắt một miếng lá chuối hình vuông bằng với diện tích của khuôn bánh lót trên lớp lá dong.
– Đong một chén nếp đổ vào, để cho nếp nằm đều vào các góc, bóp dẹp nắm đậu xanh để trên nếp, kế đến miếng thịt để nằm gọn vào giữa, sau đó đến một lớp đậu xanh , lấy tay đè cho thịt và đậu chặt xuống. Sau cùng, múc một chén nếp đổ lên trên, lùa nếp vào 4 góc cho thật chặt, xếp một lớp lá chuối trên mặt nếp, rồi xếp từ từ các lớp lá dong xuống .
– Rút khuôn bánh ra khỏi tay bên trái, cột sơ hai dây lạt, sau đó lấy khuôn bánh ra khỏi tay, sẽ cột thêm dây và xiết chặt bánh, thường bánh được xiết 3 dây dọc, 3 dây ngang.
– Sau khi gói bánh xong, xếp những cọng lá dong vào dưới đáy thùng để nấu bánh , xếp bánh vào thùng đổ ngập nước .
– Bắc thùng lên bếp đun củi liên tục, tùy theo bánh lớn hay nhỏ, số lượng bánh nhiều hay ít . Nếu làm bánh cở 20cm x 20cm nấu khoảng 5 cái bánh, thì nấu khoảng 4 tiếng .
– Khi thấy nước trong thùng vơi đi, ta phải để nước sôi vào cho ngập bánh, nếu không bánh sẽ bị sượng.
– Bánh chín vớt ra , để cho ngay, sau đó để lên một miếng ván, để vật nặng lên trên miếng ván, cho bánh được ráo nước.
– Ba giờ sau, treo bánh nơi thoáng cho bánh có thể để lâu được.
– Bánh làm khéo hay không là cần nhìn, những góc bánh phải vuông, lá xanh mướt, nhân bánh bùi béo, bánh có hương vị đặc biệt của lá dong và thịt mỡ.

Tác phẩm đầu tiên của tui

Các tác phẩm khác của tui nè (cũng ko phải là tệ lắm nhỉ?)

Nói chung , dù làm cách nào cũng được, Bánh chưng vẫn là món bánh đặc biệt của ba ngày Tết dân tộc

Xôi gấc giỗ ba!


Giỗ ba năm nay tui đảm nhiệm thay cho mẹ, giỗ ba không có nhiều bà con họ hàng, chỉ có mẹ, mấy anh em và gia đình chị Huyền. Một trong những món tui nấu giỗ ba kỳ này là xôi gấc.

Xoi gac

 

Vật liệu

1kg rưỡi nếp. ½ ly rượu trắng
1 trái gấc màu gạch tôm hoạc đỏ.
1 chén nước cốt dưà muối
100g đương`

Cách làm

1) nếp rửa sạch hoà ½ ống màu gạch tôm vào nước, đổ nếp vào ngâm trong nước màu qua đêm, rồi ngày mai vo nếp lại 1 lần nữa, để ráo.
2) Xẻ trái gấc, tách lấy thịt gấc va` bỏ hột, cho thịt gấc vào trong tô, đổ ½ ly rượu trắng vào trộn đều, ngâm khoảng 30 phút.
3) Trộn nếp+đường+gấc+1 muỗng cà phê muối, trộn thật đều, đổ nếp vào chõ xôi đem nấu cách hơi.
4) Hấp xôi độ 20 phút, dở nắp chõ ra, xới xôi cho đều, rưới ½ chén nước cốt dừa vào xôi, đậy nắp hấp tiếp 20 phút sau, bắc chõ xôi xuống, đổ ra rá, rưới ½ chén nước cốt dừa vào xôi, trộn đều cho xôi thấm nước cốt, cho xôi lại vào chõ hấp tiếp 20 phút sau, xới xôi lần chót, xới từ dưới lên trên, trộn đều cho xôi chin kỹ, để trên chõ hấp thêm 10 phút.

Hủ tiếu xào bò viên!


Hu tieu xao bo vien

Cả nhà tui đều nghiện bò viên, có thể ăn hoài ăn mãi mà không ngán, bò viên mua ở chợ Củ, Saigon là ngon nhất, tui hay mua từng ký để trong ngăn đá về dùng dần.. Hôm nay tui làm món hủ tiếu áp chảo hay hủ tiếu xào bò viên.

Chuẩn bị nguyên liệu:
500g hủ tiếu mềm.
250 gr bò viên loại ngon.
300g cải ngọt
1 miếng da heo khô
1/2 củ hành tây.
1 thìa cà-phê tỏi xay.
dầu ăn.
nước tương.
đường.
hạt nêm.
1 thìa súp bột năng.
giấm đỏ.
Cách thức chế biến:

Bò viên xắt làm 4.

Cải ngọt cắt khúc, hành tây cắt múi cau. Da heo ngâm nước xắt miếng vừa ăn.

Đun nóng dầu, phi thơm tỏi, cho hành tây và bò viên và da heo ào xào. Sau đó cho 1 bát nước dùng vào, nêm 2 thìa súp nước tương, 1 thìa súp đường, 1 thìa súp hạt nêm, 1 thìa súp giấm đỏ. Đun sôi, cho cải ngọtvào xào chín. Bột năng hòa với nước cho vào tạo độ sánh.

Hủ tiếu đánh tơi trộn đều với 1 thìa súp nước tương. Cho vào áp chảo nóng.

Thưởng thức

Rắc tiêu, ngò lên. Dùng nóng.

Ốc bưu hấp sả ngày mưa!


Mấy hôm nay Sàigòn mưa rả rích ngày đêm, mưa từ sáng cho đến chiều, thời tiết nhưng lúc không mưa thì man mát nhẹ nhàng, làm tui chợt nhớ đến ngoại. Nhớ những buổi chiều thứ 7, chủ nhật, bên bếp lửa bập bùng ngoại làm 1 nồi ốc bưu to tướng, làm nước mắm đặc sệt sả và ớt, ngon thật ngon… hai bà cháu lấy 2 cây kim kẹp bẻ ngược đầu ngồi lễ ốc. Ngoại tui rất thích ốc bưu, và chỉ thích ốc bưu hấp sả mà thôi…. Trời nói đến đây sao tui nhớ ngoại da diết, miệng mình lại mặn nữa rồi…. tự dưng ngồi khóc ngon lành, hôm nay con cũng làm ốc bưu hấp sả…nhưng không có khói lam chiều, không có bếp lửa hồng và… không có ngoại …chỉ có mình con ngồi lễ ốc thôi ngoại ơi…

Oc buu hap sa

Butter cookies cho bé Út ịt!


Út cho tui 1 bộ khuôn làm cookies, để cám ơn em hôm nay tui làm butter cookies cho em, bánh mềm và thơm mùi bơ béo ngậy…

Butter cookies

Nguyên liệu:

– 250g bột
– 125g đường
– 1 gói đường vali
– 2 lòng đỏ trứng gà
– 125 g bơ
– 3 muỗng đường bột (đường mịn như bột)
– 50 g Chocolate lỏng (dùng quét lên bánh)

c. Cách làm:

– Ðánh bơ, trứng gà, đường và đường vali đều với nhau, lưu ý đánh đều nhưng đừng đánh sủi bọt lên, sau đó rắc đều bột vào đánh đến khi tất cả đã trộn đều.
– Ðem bột đã đánh đều cuộn vào giấy nướng và đem cất trong tủ lạnh khoảng 30 phút.
– Trong lúc này có thể bật lò nướng lên cho nóng trước khoảng 200°C và dùng bơ quét trước lên những miếng thiếc dùng để nướng bánh
– Sau 30 phút đem bột ra và cán mỏng trên bàn đã được rải bột để khỏi dính (mỏng khoảng 3 mm). Dùng các khuôn nhỏ (khuôn hình hoa, hình tròn, hình vuông… ) ấn lên bột đã cán mỏng để cắt tạo thành hình đạng theo khuôn. Ðem các hình bánh mới cắt đặt lên miếng thiếc đã thoa bơ và đưa vào lò nướng khoảng từ 7 đến 10 phút cho vàng. Khi bánh vàng lấy ra và dùng dao cạy ra khỏi miếng thiếc nướng. Ðặt bánh trên một cái vỉ cho nguội. Tùy theo sở thích có thể rắc đường bột lên bánh hoặc dùng chocolate lỏng quết lên bánh.

Gà sốt chanh – món lạ mà ngon!


Món gà sốt chanh tui học được từ một web trên internet, tui thấy món này lạ miệng nhưng lại rất ngon, vì làm từ thịt gà rút xương và có vị chua chua ngọt ngọt nên cũng thích hợp cho cả ba ruby lẫn ruby, làm xong món này tui lại biết thêm được một món ngon dễ làm cho thực đơn của gia đình nữa rồi nè…

Ga sot chanh

Nguyên liệu:

500 gr thịt gà rút xương, cắt miếng vừa ăn

2 thìa xì dầu

1 thìa muối

2 quả trứng

½ thìa bột mỳ

½ thìa bột chiên

Hạt tiêu

Dầu rán

Làm nước sốt:

1/3 chén đường

1 chén nước dùng

2 thìa bột đao

2 thìa nước cốt chanh

1 thìa muối

3 lát chanh tươi

1 thìa dầu ăn

1 chút bột nghệ
Cách làm:

Trộn 2 thìa xì dầu và 1 thìa muối trong một cái bát rồi cho thịt gà vào tẩm thật đều. Dùng nilon bọc thức ăn bọc kín bát gà lại, cho vào tủ lạnh ướp trong 30 phút.

Lấy một cái bát khác đập 2 quả trứng vào, hòa trứng với 1/2 thìa bột mỳ, bột chiên, và hạt tiêu. Khi thịt gà đã ngấm gia vị, mang ra tẩm bột.

Đặt chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn. Đặt sẵn một cái đĩa lót giấy thấm dầu để chờ gà chín.
Dầu ăn sôi, cho thịt gà vào rán. Rán đến khi thịt gà chín vàng đều thì cho ra đĩa đã chuẩn bị.

Làm sốt chanh:

Trộn 1/3 chén đường, 2 thìa bột đao, 1 chén nước dùng gà, 2 thìa cốt chanh và 1 thìa muối, nếu có dùng bột nghệ thì bạn cho một chút vào bước này để nước sốt có màu vàng đẹp mắt. Trộn thật đều lên.Đặt chảo trở lại bếp, đun nóng 2 thìa dầu ăn rồi đổ nước sốt vừa trộn vào, đun sôi và nhỏ lửa đến khi nước sốt có trong, cho vài lát chanh tươi vào cho thơm rồi tắt bếp. Xếp thịt gà ra đĩa rồi tưới nước sốt lên trên. Vậy là xong món gà sốt chanh ngon thật ngon cho bữa cơm gia đình rồi. Măm măm thôi…

Ngao hấp rượu!


Tui luôn có nguồn rượu trắng rất bảo đảm từ ông bà nội ruby. Rượu trắng tui hay dùng để ngâm rượu, nấu cao bí đao hoặc cao sâm làm đẹp, còn lại thì tui dùng trong nấu ăn, đảm bảo được xuất xứ do nhà nấu bằng gạo chính hiệu, không sợ phải bỏ hóa chất Trung Quốc mà hương vị lại rất thơm ngon… Hôm nay ngẫu hứng tui làm ngao hấp rượu, món ngon dễ làm.

Ngao hap ruou

Nguyên liệu:

Ngao 1 kg

Gừng tươi thái nhỏ

Ớt quả thái nhỏ

Tỏi đập dập

Muối ½ mcf

2 ly nhỏ rượu trắng

Giấy bạc

Cách làm:

Ngao rửa sạch cho vào chén ngâm trong rượu độ 10 phút .Sau đó cho ngao vào bọc trong giấy bạc, cho gừng, tỏi,ớt và ½ mcf muối vào, tưới thêm 2 muỗng canh rượu rồi bọc kín lại. Đặt nồi hấp lên bếp, đặt ngao bọc trong giấy bạc lên vỉ hấp, đun sôi nước và hấp ngao trong 20 phút. Tắt bếp, mở phần giấy bạc ra từ từ, ngao chín đã mở miệng và có nước bên trong giấy bạc nên bạn cẩn thận khi mở. Thịt ngao chín ngọt, thơm mùi rượu .Rắc hành xanh lên trên cho đẹp mắt. Ăn ngao hấp và uống một chút rượu Baleys làm ấm người, life’s beautiful!

Bún mắm miền Tây!


Tự dưng tui thèm ăn bún mắm, thèm cái vị mắm mặn mà và đậm mùi đó. Chịu hết siết hôm nay tui đi chợ nấu 1 nồi bún mắm thiệt to, rủ bà ngoại, cậu mợ ruby qua thưởng thức bún mắm miền Tây made by tui…

Bun mam

NGUYÊN VẬT LIỆU

– 250g mắm cá sặc

– 250g mắm cá linh

– Mực

– Cá bông lau

– Tôm

– Thịt ba rọi

– 5 tép sả đập dập

– củ ngải bún

– sả bằm

– cà tím cắt miếng nhỏ

– – Bún tươi, nước mắm nguyên chất, chanh ớt.

– Ngò gai xắt nhuyễn, rau muống bào, giá – rau đắng, bắp chuối bào, hẹ, bông súng

CÁCH LÀM

Cho mùi vị mắm đậm đặc. Người sành mắm có thể chọn loại mắm hợp khẩu vị riêng để thực hiện món ăn.

– Nấu 500 gram mắm với 2 lít nước + 20 gram hành tím nướng + 5 tép sả đập dập + 50 gram giềng cắt lát. Nấu nhỏ lửa cho rã xác mắm, lọc lược qua một túi vải bỏ xác mắm, xác hành… cho nước trong đẹp. Nêm nếm lại tuỳ khẩu vị, nếu thấy mắm đậm đặc quá có thể thêm ít nước sôi.

@ Lưu ý mắm còn sống thì khó kiểm tra chất lượng nhưng khi nấu lên, mùi mắm bốc ra sẽ cho biết phần nào chất lượng mắm. Mắm dở khi nấu có mùi rất khó chịu. Phân lượng hành, giềng, sả tuỳ khẩu vị riêng để gia giảm, nếu thích có thể cho thêm ngay sau khi nấu xong. Sau khi có nước mắm nấu theo cả hai cách, làm nóng chừng 2 muỗng súp dầu ăn hoặc mỡ nước với nửa muỗng súp sả băm, để cho dầu vừa dậy thơm mùi sả là tắt bếp, đừng để sả cháy, gạn lấy dầu bỏ xác sả, cho dầu vào nồi; thêm vài lát ớt tươi, giữ nóng trên bếp. Nếu giữ nóng nước nấu mắm trên bếp qua nhiều giờ, nước sẽ cạn bớt làm mắm trở mặn, hãy châm thêm ít nước sôi vào.

– Rau sống rửa sạch các loại rau thơm và xà-lách, để ráo, xắt ghém.Bắp chuối bào mỏng, ngâm dấm hay chanh cho trắng, đến khi gần ăn xả sạch vớt ráo. Hẹ rửa sạch cắt khúc trộn chung với giá.
– Tôm rửa sạch, đem hấp chín, để nguội. Lột vỏ tôm va chẻ mỗi con làm hai dọc theo sống lưng.
– Cá đem làm sạch, lạng da, để ráo. Ðợi nước dừa sôi cho cá vào luộc vừa chín, vớt ra để nguội và gở thịt.
– Thịt ba rọi cho vô nồi và một lít nước dừa luộc chín, vớt ra để nguội. Xắt lát lớn
– Bắc chảo lên bếp, múc vào chảo 5 muỗng canh dầu cho ngải bún, 5 hành hương va 7 tép tỏi bằm nhuyễn vào, phi thơm. Cho dầu vào xoong nước lèo, Xào thêm 3, 4 muỗng dằu và hành, tỏi cho thơm, chia dầu ra dùng đễ xào tơm, thịt và cá, riêng biệt từng thứ. Bày tôm thịt và cá vào một dĩa bàn lớn, mỗi thứ một góc.
– Bày lên bàn một dĩa bún, một dĩa rau sống, dĩa đựng giá, hẹ, một hủ tỏi xắt lát ngâm chua, ớt xắt mỏng và chanh cắt múi. Nước lèo có thể hâm nóng đặt trong lẩu ở giữa bàn.
– Dùng vợt trụng một nhúm gíá và hẹ vào nồi nước lèo, cho bún vào tô bênn trên giá hẹ trụng, bày cá lóc, tôm thịt lên trên mặt bún. Chan nước lèo nóng vào tô cho vừa ngập bún, rắt tiêu lên trên chi thơm. Ăn nóng kèm thêm rau sóng và chanh ớt, tỏi ngâm chua.

* Ngãi bún là gia vị đặt biệt cũa món bún nước lèo, ta có thể mua ở hàng lá xông hay ở các hàng bán gia vị để nấu mấm hay canh chua.

Với món bún mắm thì tinh hoa đều nằm ở nước dùng. Nếu nấu như cách trên bạn có thể an tâm là có ngay 1 tô bún mắm tuyệt vời để thưởng thức.. Ôi chao, ngồi post bài mà tui cứ nuốt ừng ực thế này, hic hic… lại thèm nữa rồi!

Thịt gà viên sốt chua ngọt


Nhà tui có 3 người mà hết 2 thành viên là cực thích các món chua chua ngọt ngọt, tui đành phải “thiểu số phục tùng đa số” thôi. Bữa cơm chiều hôm nay nhà tui có món GÀ VIÊN SỐT CHUA NGỌT, món này dùng với cơm nóng thì rất ngon đấy mọi người ạ!

Ga vien sot chua ngot

Nguyên liệu:
600 gr thịt gà lọc xương

Hành lá

2 thìa dầu hào

1 thìa xì dầu

2 quả ớt thái nhỏ

2 thìa bột mỳ hoặc bột ngô

1 quả trứng

Muối, tiêu

Nước sốt:

1 chén dứa, thái miêng

1 củ hành tây nhỏ

½ củ cà rốt thái hạt lựu

1 quả cà chua thái hạt lựu

4 thìa sốt cà chua (ketchup)

2 quả chanh hoặc 3 thìa dấm

2 thìa đường

Vài nhánh tỏi, băm nhỏ

1 nhánh gừng, băm nhỏ

Thịt gà lọc xương băm nhỏ, đem trộn thịt gà với hành tây thái nhỏ, 2 thìa dầu hào, 1 thìa xì dầu, 2 thìa bột ngô, 1 quả trứng, nêm gia vị và hạt tiêu, thêm ớt tươi thái nhỏ nếu bạn thích cay. Trộn thật đều rồi để 1 giờ cho ngấm.

Sau khi thịt ngấm gia vị thì mang ra nặn thành viên tròn rồi chiên đến chín vàng đều.

Làm nước sốt:

Cho tất cả các nguyên liệu làm nước sốt (sốt cà chua, cà chua thái nhỏ, gừng thái nhỏ, nước cốt chanh hoặc dấm, 2 thìa đường, gia vị, hạt tiêu) vào một cái tô, trộn đều và để sang một bên. Đặt chảo lên bếp, đun nóng một chút dầu ăn và phi tỏi cho thơm, cho cà rốt và hành tây vào xào chín.

Cho chỗ nước sốt vừa trộn lúc nãy vào. Đun sôi nước sốt, nêm lại gia vị cho vừa rồi cho thịt gà viên đã rán vào. Tiếp đến cho dứa thái miếng vào.
Đun sôi rồi nhỏ lửa đun thêm 5 phút cho dứa chín và sốt ngấm vào thịt. Nếu muốn sốt đặc hơn thì có thể thêm chút xíu bột ngô.
Vậy là xong và có thể măm măm được rồi.

Cá sấu xào lăn!


Hôm qua tui đi siêu thị Saigon thấy có bán thịt cá sấu phi lê. Lạ thật, tui tưởng thịt cá sấu tươi tại TPHCM chỉ có bán ở một nơi khá nổi tiếng, đó là cá sấu Hoa Cà tại Thủ Đức., đi qua cầu Bình Triệu là tới. Ở đó là một khuôn viên mà cá sấu được nuôi, lấy da làm đồ thủ công mỹ nghệ, thịt thì được chế biến thành rất nhiều món rất ngon. Tui có đến cá sấu Hoa Cà vài lần, món ngon nhất ở đó là chả giò cá sấu và cá sấu xào lăn. Thịt cá sấu có một đặc điểm rất ngon mà không thể lẫn vào thịt các loại động vật khác được, đó là vừa có mùi tanh của cá, vừa có độ xực xực của thịt gà. Ai đã ăn một lần thì không thể nào quên được.

Bắt chước nhà hàng nổi tiếng saigon, hôm nay tui cũng làm cá sấu xào lăn chấm với bánh mì baquette.

Ca sau xao lan

Ướp thịt: Trộn vào mỗi 300 gram thịt đã cắt mỏng: 1/2 muỗng cà phê muối + 1/3 muỗng cà phê tiêu + 2/3 muỗng cà phê ngũ vị hương + ½ muỗng súp hành tím và tỏi băm + ½ muỗng súp sả củ băm thật nhuyển, để qua một giờ.

Chuẩn bị: 30 gram nấm mèo, ngâm nước cho nở lớn, cắt bỏ gốc rể, xé thành miếng nhỏ; 100 gram hành tây, chẻ làm tám, tách từng tép; 150 gram cà chua chín cắt dọc làm tám; 2 -3 cọng rau ngổ (rau ôm) ngắt khúc ngắn; 2/3 chén lá tía tô và ngò gai cắt sợi nhỏ. Ít hành tím lột vỏ, cắt lát mỏng phi vàng với chút dầu vớt ra để ráo, ít đậu phụng rang đãi vỏ, giả dập.

Xào thịt: Làm nóng 2 – 3 muỗng súp dầu ăn, để lửa vừa, cho thịt vào xào nhanh và đều tay trong khoảng một phút, thấy thịt vừa chín tới, cho cà chua, nấm vào xào tiếp trong khoảng nửa phút, rồi cho tiếp phân nửa phần rau ngổ với hành tây vào, châm thêm vào chừng hai hoặc ba vá nhỏ nước nóng, để sôi lại nước xào rồi tuỳ ý nêm lại với chút xíu muối, đảo đều là cho thịt ra dĩa, trải phần rau ngổ còn lại lên mặt thịt, rắc thêm tía tô, ngò gai, hành phi, đậu phụng. Tuỳ thích dọn kèm nứơc mắm nguyên chất, chanh ớt tươi hay xì dầu, riêng tui, tui thích ăn với muối tiêu chanh hơn.

Bánh mì 2 bím!


Sáng nay thắt bím tóc cho ruby đi học, chiều nay về tui ngẫu hứng làm bánh mì thắt bím, mà đáng tiếc là con gái thì bím 3 mà bánh mì thì chỉ có bím 2 thôi vì ko đủ bột, làm được 2 ổ, 01 mẹ mang cho bà ngoại, còn 1 thì cho con gái iu của mẹ!

Đây là lúc ủ bột xong

Banhmingot1

Còn đây là sau khi nướng xong

Banhmingot2