Archive | December 2009

Bữa tiệc đêm trong nhà vệ sinh ( Nguyên Tác: Chu Hải Lượng – TQ)


Chị là Oshin – người giúp việc nhà cho một ông chủ ngoại ngũ tuần, rất giàu có. Đêm xuống, xong việc, vội vàng về với đứa con trai nhỏ 5 tuổi suốt ngày ngóng đợi trong căn nhà tồi tàn..
Hôm ấy, chủ nhà có lễ lớn, mời rất nhiều bạn bè quan khách đến dự tiệc đêm. Ông chủ bảo : Hôm nay việc nhiều, chị có thể về muộn hơn không? Thưa được ạ, có điều đứa con trai nhỏ quá, ở nhà tối một mình lâu sẽ sợ hãi. Ông chủ ân cần: Vậy chị hãy mang cháu đến cùng nhé.

Chị mang theo con trai đến. Đi đường nói với nó rằng : Mẹ sẽ cho con đi dự tiệc đêm. Thằng bé rất háo hức. Nó đâu biết là mẹ làm Oshin là như thế nào kia chứ! Vả lại, chị cũng không muốn cho trí tuệ non nớt của nó phải sớm hiểu sự khác biệt giữa người giàu kẻ nghèo. Chị âm thầm mua 2 chiếc xúc xích.

Khách khứa đến mỗi lúc mỗi đông. Ai cũng lịch sự. Ngôi nhà rộng và tráng lệ… Nhiều người tham quan, đi lại, trò chuyện. Chị rất bận không thường xuyên để mắt được đến đứa con nhếch nhác của mình. Chị sợ hình ảnh nó làm hỏng buổi lễ của mọi người. Cuối cùng chị cũng tìm ra được cách : đưa nó vào ngồi trong phòng vệ sinh của chủ… đó có vẻ như là nơi yên tĩnh và không ai dùng tới trong buổi tiệc đêm nay. Đặt 2 miếng xúc xích vừa mua để vào chiếc đĩa sứ, chị cố lấy giọng vui vẻ nói với Con : Đây là phòng dành riêng cho con đấy, nào tiệc đêm bắt đầu! Chị dặn con cứ ngồi yên trong đó đợi chị đón về. Thằng bé nhìn “căn phòng dành cho nó” thật sạch sẽ thơm tho, đẹp đẽ quá mức mà chưa từng được biết. Nó thích thú vô cùng, ngồi xuống sàn, bắt đầu ăn xúc xích được đặt trên bàn đá có gương, và âm ư hát… tự mừng cho mình.

Tiệc đêm bắt đầu. Người chủ nhà nhớ đến con trai chị, gặp chị đang trong bếp hỏi. Chị trả lời ấp úng: Không biết nó đã chạy đi đằng nào… Ông chủ nhìn chị làm thuê như có vẻ giấu diếm khó nói. Ông lặng lẽ đi tìm… Qua phòng vệ sinh thấy tiếng trẻ con hát vọng ra, ông mở cửa, ngây người: Cháu nấp ở đây làm gì ? Cháu biết đây là chỗ nào không ? Thằng bé hồ hởi : Đây là phòng ông chủ nhà dành riêng cho cháu dự tiệc đêm, mẹ cháu bảo thế, nhưng cháu muốn có ai cùng với cháu ngồi đây cùng ăn cơ!

Ông chủ nhà thấy sống mũi mình cay xè, cố kìm nước mắt chảy ra, ông đã rõ tất cả, nhẹ nhàng ngồi xuống nói ấm áp: Con hãy đợi ta nhé. Rồi ông quay lại bàn tiệc nói với mọi người hãy tự nhiên vui vẻ, còn ông sẽ bận tiếp một người khác đặc biệt của buổi tối hôm nay. Ông để một chút thức ăn trên cái đĩa to, và mang xuống phòng vệ sinh. Ông gõ cửa phòng lịch sự… Thằng bé mở cửa… Ông bước vào: Nào chúng ta cùng ăn tiệc trong căn phòng tuyệt vời này nhé. Thằng bé vui sướng lắm. Hai người ngồi xuống sàn vừa ăn ngon lành vừa chuyện trò rả rích, lại còn cùng nhau nghêu ngao hát nữa chứ… Mọi người cũng đã biết. Liên tục có khách đến ân cần gõ cửa phòng vệ sinh, chào hỏi hai người rất lịch sự và chúc họ ngon miệng, thậm chí nhiều người cùng ngồi xuống sàn hát những bài hát vui của trẻ nhỏ… Tất cả đều thật chân thành, ấm áp!

Nhiều năm tháng qua đi… Cậu bé đã rất thành đạt, trở nên giàu có, vươn lên tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Nhưng không bao giờ quên giúp đỡ những người nghèo khó chăm chỉ. Một điều quan trọng đã hình thành trong nhân cách của anh: Ông chủ nhà năm xưa đã vô cùng nhân ái và cẩn trọng bảo vệ tình cảm và sự tự tôn của một đứa bé 5 tuổi như thế nào…

Bức tranh chân dung!


Có một người đàn ông yêu thích mỹ thuật. Ông ta say mê đến mức gần như
sống vì niềm say mê của mình. Sưu tập tranh là mục tiêu cả đời của ông.
Ông làm việc rất chăm chỉ để dành tiền tiết kiệm nhằm mua thêm các tác
phẩm hội họa cho bộ sưu tập của mình. Ông mua rất nhiều tác phẩm của
các họa sỹ nổi tiếng.
Người đàn ông này đã góa vợ. Ông chỉ có một người con trai. Ông đã truyền
lại cho con mình niềm say mê sưu tầm đó. Ông rất tự hào về con trai của
mình khi anh ta cũng trở thành một nhà sưu tầm nổi tiếng như ông.
Một thời gian sau, đất nước bỗng có chiến tranh. Người con trai, cũng như
mọi thanh niên khác, lên đường tòng quân. Và sau một thời gian thì câu
chuyện xảy ra…
Một hôm, người cha nhận được một lá thư thông báo rằng người con đã
mất tích khi đang làm nhiệm vụ. Người cha đau khổ đến tột cùng. Thật là
khủng khiếp khi người cha không thể biết được điều gì đang xảy ra với con
mình.
Vài tuần sau ông nhận được một lá thư nữa. Lá thư này báo với ông rằng
con ông đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Ông gần như chết đi một nửa người.
Thật khó khăn khi đọc tiếp lá thư đó, nhưng ông vẫn cố. Trong thư, người ta
báo rằng con ông đã rút lui đến nơi an toàn. Nhưng thấy trên bãi chiến
trường vẫn còn những đồng đội bị thương, con ông đã quay lại và đưa về
từng thương binh một. Cho đến khi đưa người cuối cùng về gần đến khu
vực an toàn thì con ông đã trúng đạn và hy sinh.
Một tháng sau, đến ngày Noel, ông không muốn ra khỏi nhà. Ông không thể
hình dung được một Noel mà thiếu con trai mình bên cạnh. Ông đang ở
trong nhà thì có tiếng chuông gọi cửa. Đứng trước cửa nhà là một chàng trai
tay cầm một bọc lớn.
Chàng trai nói “Thưa bác, bác không biết cháu, nhưng cháu là người mà con
bác đã cứu trước khi hy sinh. Cháu không giàu có, nên cháu không biết
đem đến cái gì để đền đáp cho điều mà con bác đã làm cho cháu. Cháu
được anh ấy kể lại rằng bác thích sưu tầm tranh, bởi vậy dù cháu không
phải là một họa sỹ, cháu cũng vẽ một bức chân dung con trai bác để tặng
cho bác. Cháu mong bác nhận cho cháu.”
Người cha đem bức tranh vào nhà, mở ra. Tháo bức tranh giá trị nhất vẫn
treo trên lò sưởi xuống, ông thay vào đó là bức chân dung người con. Nước
mắt lưng tròng, ông nói với chàng trai “Đây là bức tranh giá trị nhất mà ta có
được. Nó có giá trị hơn tất cả các tranh mà ta có trong căn nhà này.”
Chàng trai ở lại với người cha qua Noel đó rồi hai người chia tay. Sau vài
năm, người cha bị bệnh nặng. Tin tức về việc ông qua đời lan truyền đi rất
xa. Mọi người đều muốn tham gia vào cuộc bán đấu giá những tác phẩm
nghệ thuật mà người cha đã sưu tầm được qua thời gian. Cuối cùng thì buổi
bán đấu giá cũng được công bố vào ngày Noel năm đó. Các nhà sưu tầm và
những nhà đại diện cho các viện bảo tàng đều háo hức muốn mua các tác
phẩm nổi tiếng. Toà nhà bán đấu giá đầy người. Người điều khiển đứng lên
và nói “Tôi xin cám ơn mọi người đã đến đông đủ như vậy. Bức tranh đầu
tiên sẽ là bức chân dung này…”
Có người la lên “Đó chỉ là chân dung đứa con trai ông cụ thôi! Sao chúng ta
không bỏ qua nó, và bắt đầu bằng những bức có giá trị thật sự?”
Người điều khiển nói “Chúng ta sẽ bắt đầu bằng bức này trước!”
Người điều khiển bắt đầu “Ai sẽ mua với giá $100?”
Không ai trả lời nên ông ta lại tiếp “Ai sẽ mua với giá $50?”
Cũng không có ai trả lời nên ông ta lại hỏi “Có ai mua với giá $40?”
Cũng không ai muốn mua. Người điều khiển lại hỏi “Không ai muốn trả giá
cho bức tranh này sao?” Một người đàn ông già đứng lên “Anh có thể bán
với giá $10 được không? Anh thấy đấy, $10 là tất cả những gì tôi có. Tôi là
hàng xóm của ông cụ và tôi biết thằng bé đó. Tôi đã thấy thằng bé lớn lên và
tôi thật sự yêu quý nó. Tôi rất muốn có bức tranh đó. Vậy anh có đồng ý
không?”
Người điều khiển nói “$10 lần thứ nhất, lần thứ nhì, bán!”
Tiếng ồn ào vui mừng nổi lên và mọi người nói với nhau “Chúng ta có thể bắt
đầu thật sự được rồi!” Người điều khiển nói “Xin cảm ơn mọi người đã đến.
Thật là vinh hạnh khi có mặt những vị khách quý ở đây. Bữa nay chúng ta
sẽ dừng tại đây!”
Đám đông nổi giận “Anh nói là hết đấu giá? Anh vẫn chưa đấu giá toàn bộ
các tác phẩm nổi tiếng kia mà?” Người điều khiển nói “Tôi xin lỗi nhưng buổi
bán đấu giá đã chấm dứt. Mọi người hãy xem chúc thư của ông cụ đây,
NGƯỜI NÀO LẤY BỨC CHÂN DUNG CON TÔI SẼ ĐƯỢC TẤT CẢ CÁC
BỨC TRANH CÒN LẠI! Và đó là lời cuối cùng!”