Tag Archive | tu_hoc_anh_van

Verb Function


Để viết và nói đúng tiếng Anh, bạn cần biết cách kết hợp các loại động từ khác nhau với cấu trúc câu. Trong bài này, tôi sẽ giới thiệu với các bạn cách để viết các câu văn đúng dựa trên chức năng của động từ – Verb Functions (viết tắt là VF).

VF1: Subject + Intransitive Verb (S + VI)

Intransitive verbs (tự động từ) là những động từ mà tự bản thân đã có nghĩa, không cần bất kỳ một sự trợ giúp của các thành phần khác, ví dụ, to go, to agree,… Như vậy, bạn chỉ cần thêm chủ từ trước loại động từ này để tạo một câu văn đúng, ví dụ, I go; he agrees;…

VF2: Subject + Transivite Verb + Direct Object (S + VT + DO)

Transitive verbs (tha động từ) luôn luôn phải được đi cùng với một Direct Object (túc từ trực tiếp) để hoàn thiện ý nghĩa cho câu. Khi bạn thấy một động từ được ghi chú là VT trong từ điển, bạn cần phải thêm vào sau đó một túc từ. Ví dụ, bạn có thể nói tiếng Việt là “tôi học ở trường tiểu học”, nhưng câu tiếng Anh không phải là “I learn at an elementary school”, vì to learn là VT nên câu đúng phải là “I learn Vietnamese…”, hoặc bạn nên dùng to attend (theo học) – “I attend an elementary school”.

VF3: Subject + Linking Verb + Complement (S + VLK + C)

Linking Verbs (động từ nối) dùng để liên kết chủ từ và Complement (bổ ngữ). Điều này có nghĩa là, nếu không có động từ thì người đọc vẫn có thể hiểu được nghĩa của “câu”. Ví dụ, I am a student, hoặc I – a student không có gì khác nhau. Nhưng “câu” thứ hai không thể là một câu hoàn chỉnh.

Bạn có thể nhận biết một động từ có phải là VLK hay không bằng cách thay thế bằng động từ “to be”. Nếu việc thay thế này không ảnh hưởng đến nghĩa của câu thì động từ trong câu chính là VLK. Ví dụ, the class keeps silent cũng tương đương với the class is silent; nhưng a girl keeps a flower thì không có nghĩa là a girl is a flower.

Tuy nhiên, trong tiếng Anh cũng có một số động từ vừa là tự động từ, vừa là tha động từ, vừa là động từ nối, ví dụ, to grow (nghĩa lần lượt là mọc, trồng, trở nên). Vì vậy việc xác định loại động từ đóng vai trò rất quan trọng để hiểu được ý nghĩa của cả câu.

VF4: Subject + Transitive Verb + Direct Object + preposition + Indirect Object (S + VT + DO + prep + IO)

Cả Direct Object (túc từ trực tiếp) và Indirect Object (túc từ gián tiếp) đều chịu sự chi phối của động từ. Nhưng có thể hiểu nôm na DO chính là cầu nối giữa chủ từ và IO. Ví dụ, I give a book to my friend (tôi đưa quyển sách cho bạn tôi, như vậy, giữa tôi và bạn tôi là quyển sách)

Preposition dùng trong VF4 bao gồm “to” và “for”. “To” được dùng phổ biến trong mọi trường hợp DO được chuyển thẳng tới IO, ví dụ, I write a letter to my friend (tôi viết thư gửi cho bạn tôi); còn “for” được sử dụng khi S làm giúp IO một việc gì đó, ví dụ, I write a letter for my grand mother (tôi viết dùm bà lá thư).

VF4 có thể được viết theo một cách khác: S + VT + IO + DO (trường hợp này không cần có preposition – giới từ). Tuy nhiên, trường hợp này sẽ không được áp dụng nếu DO là một Pronoun (đại từ). Ví dụ, I give my friend a book, chứ không nói I give my friend it

VF5: Subject + Verb + Direct Object + Bare Infinitive (S + V + DO + BI)

VF5 bao gồm 4 động từ: to have (buộc, nhờ), to help (giúp đỡ), to let (để cho), to make (làm). Đây đều là VT nên luôn phải có DO đi theo sau. Ví dụ, only you can help yourself learn VFs by heart.

VF6: Subject + Verb + Direct Object + Present Participle (S + V + DO + PP)

VF6 bao gồm 6 động từ: to catch (bắt gặp, bắt quả tang), to find (bặt gặp), to keep (buộc), to leave (bỏ mặc), to set (khởi động), to start (khởi động). Đây đều là VT nên luôn phải có DO đi theo sau. Ví dụ, the policemen caught the thief hiding in the garden.

VF7: Subject + Verb + Direct Object + Bare Infinitive/ Present Participle (S + V + DO + BI/PP)

VF7 bao gồm 10 động từ: to feel, to hear, to look at, to listen to, to notice, to observe, to see, to smell, to taste, to watch. To feel, to smell, to taste đều có nghĩa là cảm thấy. Tuy nhiên, nếu là xúc giác, bạn dùng to feel, tương tự – khứu giác, to smell; vị giác, to taste. Đây đều là VT nên luôn phải có DO đi theo sau. Ví dụ, I taste sugar melt/ melting in my tongue.

VF8: Subject + Verb + Direct Object + Adjective/ Past Participle (S + V + DO + Adj/PP)

VF8 diễn tả ý nghĩa thụ động (passive). Trong VF8 nếu người tác động vào DO không phải là chủ từ thì không được đề cập tới. Ví dụ, I left the door opened (tôi để cửa mở) hoặc I saw the door opened (tôi thấy cửa mở). VF8 được sử dụng phổ biến trong trường hợp thứ hai, ví dụ nói “tôi đi cắt tóc” không có nghĩa là tôi sẽ tự cắt tóc của tôi, mà phải yêu cầu một người nào đó cắt. Nếu biết chính xác đó là người nào, chúng ta dùng VF5, I will have my mother cut my hair. Nhưng nếu chỉ đi đến tiệm, rồi ai cắt cũng được, thì chúng ta dùng VF8 I will have my hair cut.

VF9: Subject + Verb + Direct Object + Object Complement (S + V + DO + OC)

VF9 bao gồm 8 động từ: to call (gọi), to make (buộc, khiến), to appoint (chỉ định), to assign (giao), to consider (xem như), to vote (bầu), to elect (bầu, chọn), to choose (chọn lựa), to designate (chỉ định).

Object Complement (bổ ngữ cho túc từ) dùng để làm rõ nghĩa hoặc bổ sung cho DO. Cả DO và OC đều chịu sự chi phối của động từ. Ví dụ, we chose him the class leader (chúng tôi bầu anh ấy làm lớp trưởng), I call my daughter Jerry (tôi gọi con gái tôi là Jerry).

VF10a: Subject + Verb + Gerund (S + V + V-ing)

VF10a bao gồm 17 động từ: to admit (nhận, thú nhận), to anticipate (mong chờ), to appreciate (cảm ơn), to avoid (tránh), to consider (cân nhắc), to delay (hoãn), to deny (phủ nhận), to dislike (không thích), to enjoy (thưởng thức), to finish (hoàn tất), to keep (tiếp tục), to mind (phiền), to miss (lỡ, hụt), to postpone (hoãn), to practice (thực tập), to risk (liều), to suggest (đề nghị).

Bạn cần lưu ý với động từ “to mind”. Thông thường, người ta dùng động từ này để diễn tả lịch sự, ví dụ, do you mind opening the door for me? nếu dịch tho
t nghĩa, câu này là “bạn vui lòng mở cửa dùm tôi”, nhưng dịch “trơn”, “bạn có phiền khi mở cửa cho tôi không?”. Vì vậy, nếu bạn sẵn lòng làm việc đó, thì bạn phải trả lời “No, I don’t mind.”

VF10b: expression + Gerund (exp + V-ing)

Expressions bao gồm: to be/ get used to (quen với), to be/ get accustomed to (quen với), to object to (phản đối), to look forward to (mong đợi).

Cần phân biệt “to be used to” (quen với, chỉ thói quen, tùy theo thì của động từ to be) và “used to” (đã từng, chỉ thói quen trong quá khứ, bây giờ không còn nữa). Sau “used to”, chúng ta dùng bare infinitive.

VF10c: go + Gerund (go + V-ing)

VF10c diễn tả hành động đi để làm việc gì đó, ví dụ go shopping (đi mua sắm), to go bowling (đi chơi bowling), to go camping (đi cắm trại),…

VF11a: Subject + Verb + to + Verb Function (S + V + to + VF)

VF11a bao gồm các động từ sau: to like, to hate, to love, to need, to have, to want, to intend, to expect, to try, to forget, to remember. Những động từ này được liên kết với một VF khác bằng giới từ “to”. Ví dụ, I like to speak English hoặc she wants me to speak French.

VF11b: Subject + Verb + to be + Past Participle (S + V + to be + PP)

VF11b diễn tả ý nghĩa thụ động (to be + PP), vì vậy chỉ được áp dụng với PP của VT. Ví dụ, everybody wants to be loved.

VF11c: Subject + Verb + Gerund (S + V + V-ing)

VF11c có cấu trúc giống VF10a, nhưng diễn tả ý nghĩa thụ động (trong khi VF10a diễn tả ý nghĩa chủ động). VF11c bao gồm các động từ: to need, to merit, to be worth, to desire. Ví dụ, the book is worth reading (quyển sách này đáng để đọc).

VF12a: Subject + Verb Function + to/ in order to + Verb Function (S + VF + to/ in order to + VF)

Yêu cầu của VF12a là chủ từ phải đồng thời thực hiện cả hai hành động (VF). Ví dụ, tôi học chăm chỉ để làm vui lòng cha mẹ – I study hard to please my parents. Nhưng muốn nói tôi học chăm chỉ để cha mẹ tôi vui lòng thì ta phải dùng conjunction (liên từ), thay vì preposition (giới từ), I study hard so that my parents could be pleased.

VF12b: Subject + Verb Function, Verb Function,… (S + VF, VF,…)

VF12b dùng để liệt kê những hành động xảy ra liên tiếp nhau (consecutive actions), hành động này nối tiếp hành động trước. Ví dụ, she gets up. brushes her teeth, washes her face, exercise, cooks breakfast, eats it with her parents, dresses up and goes to work.

VF12c: Subject + Verb Function, Gerund (S + VF, V-ing)

VF12c dùng để diễn tả những hành động cùng xảy ra đồng thời (simultaneous actions). Ví dụ, he lies down on the sofa, watching movies.

VF13: Subject + Modal + Verb Function (S + Modal + VF)

VF13 cho phép chúng ta kết hợp tất cả các VF đã liệt kê ở trên với Modals (động từ khiếm khuyết).

Quy tắc phát âm trong tiếng Anh!


Những tài liệu này tôi tìm thấy trong blog của 1 mẹ, tôi thấy đây là những kinh nghiệm cực kỳ quý báu khi tôi đi dạy tại Cty Invesco cho các học viên, nay tôi chia sẻ với mọi người.

Để luyện tập, tôi thành thật khuyên bạn đứng trước gương và nhìn cách mở và khép miệng để xác định xem mình phát âm có đúng hay không.

– Nguyên âm (vowels): lưỡi nằm giữa khoang miệng, và không chạm vào bất cứ bộ phận nào trong miệng.

– Phụ âm (consonants): 3 nhóm

+ môi (lips): để phát âm, 2 môi phải chạm nhau, ví dụ “M”, “B”, “P”; hoặc môi phải chạm răng, ví dụ “V”, “F”.

+ sau răng (behind the teeth): lưỡi chạm phần sau của hàm trên, ví dụ “N”, “L”, “D”,…

+ họng (throat): âm đi từ cuống họng (khi phát âm phải cảm thấy cuống họng rung), ví dụ “H”, “K”,…

Ngoài ra, phụ âm còn được chia làm 2 nhóm sau:

– Vô thanh (voiceless), hay âm có gió: nếu bạn để bàn tay trước miệng khi phát âm, bạn sẽ cảm thấy có gió đi ra.

– Hữu thanh (voiced), hay âm không gió. Tất cả nguyên âm đều là âm không gió.

Một trong những “ứng dụng” quan trọng của cách phân loại này là phát âm danh từ số nhiều hoặc động từ thì hiện tại của ngôi thứ 3 số ít, và phát âm động từ có quy tắc được chia ở thì quá khứ. Tôi có một bảng tóm tắt sau:

Chỉ có 8 phụ âm có gió, theo thứ tự, bạn có thể nhớ bằng câu “thoáng từ phía kia sao chổi sáng pừng” (trong tiếng Việt, chữ “P” không kết hợp với nguyên âm để tạo từ, nên bạn chịu khó đọc trại một chút).

Về nguyên tắc, tất cả những động từ quy tắc tận cùng bằng phụ âm có gió, khi chuyển sang thì quá khứ, “ED” được phát âm là “T”, ví dụ stopped (/t/); âm không gió, phát âm là “D”, ví dụ lived (/d/).

“S” hoặc “ES”, được thêm vào danh từ hoặc động từ ngôi thứ 3 số ít, được phát âm là “S” đối với từ tận cùng bằng âm gió, ví dụ thinks (/s/); ngược lại, âm không gió, phát âm là “Z”, ví dụ loves (/z/).

Tuy nhiên, bạn lưu ý 2 trường hợp highlight trong bảng tóm tắt.

Khi thêm “ED” vào động từ tận cùng bằng âm “T” hay “D”, bạn phải phát âm thành /id/, ví dụ wanted.

“S” hoặc “ES” sau khi thêm vào những từ tận cùng bằng âm “S”, “Z”, “/CH/”, “/DZ/”, “/SH/”, “/ZH/” được phát âm là /iz/, ví dụ teaches, pronounces.

Cuối cùng, một lưu ý rất quan trọng, tất cả những cách phân loại trên đây đều áp dụng cho ÂM, chứ không phải CHỮ CÁI. Ví dụ từ “laugh” thì âm tận cùng là “F” chứ không phải là “GH” hay “H”; trong khi đó, từ “weigh” được phát âm là /wei/, có nghĩa là tận cùng là 1 nguyên âm. Vì vậy, bạn cần phải đọc đúng theo trong từ điển trước khi có thể áp dụng các quy tắc phát âm này.

(*) Do trình độ IT có hạn, tôi chưa tìm ra cách viết các phonetic symbols này. Mong bạn thông cảm.

Phát âm tiếng Anh thế nào?
  • Học phát âm tiếng anh theo người Mỹ
  • Học phát âm tiếng anh theo người Anh

See results

Học phát âm tiếng anh theo người Mỹ

2

Học phát âm tiếng anh theo người Anh

1

Cast My Vote

CÁC THÌ (TENSE) TRONG TIẾNG ANH


Thì (tenses) là một nội dung khó trong tiếng Anh đối với người Việt Nam, bởi vì tiếng Việt không có thì. Mặc dù tiếng Việt cũng có các trợ từ để chỉ thì, ví dụ như “đã” hoặc “sẽ”, nhưng hiếm khi người Việt sử dụng những trợ từ này. Ví dụ tôi nói “hôm qua tôi đi xem phim” chứ tôi không nói “hôm qua tôi đã đi xem phim”. Như vậy, thì trong tiếng Việt thường thể hiện ở trạng từ thời gian (adverbs of time). Thói quen này khiến tiếng Anh của người Việt trở nên khó hiểu. Ví dụ, khi kể một câu chuyện đã xảy ra, người Việt vẫn vô tư sử dụng thì hiện tại; cùng lắm thì nói được một câu “when I was a kid”…

Chắc nhiều bạn sẽ ngạc nhiên khi biết trong tiếng Anh có 17 thì, bao gồm 4 thì hiện tại, 4 thì tương lai, 4 thì điều kiện và 5 thì quá khứ. Những thì điều kiện được sử dụng trong các câu điều kiện, là những trường hợp đặc biệt, nên tôi không đề cập trong post này (tôi sẽ cố gắng viết một post về các loại câu điều kiện). Theo tôi, áp dụng những trường hợp đặc biệt (exceptions) rất đơn giản – bạn chỉ cần học thuộc lòng thôi. Và như vậy, vấn đề ở đây lại là làm sao học thuộc lòng phải không? Rất tiếc, tôi lại không có tips nào ngoài việc làm thật nhiều bài tập. Bạn có thể vào trang Non-stop English để thực hành.

1. Các thì đơn (Simple Tenses)

Trừ thì hiện tại đơn (Simple Present Tense) có các cách dùng đặc biệt để diễn tả một sự thật hiển nhiên (a general fact), một thói quen (a habit), một sở thích (a hobby) và một mục đích (a purpose), tất cả các thì đơn đều dùng để diễn tả một hành động tại một thời điểm xác định (a definite time). Điều này có nghĩa là nếu bạn có một mốc thời gian cụ thể, bạn chắc chắn phải sử dụng thì đơn.

Ví dụ: I signed up an Opera account in 2006.

Trong câu trên, thời điểm xác định là năm 2006. Nếu không có mốc thời gian này thì bạn có thể không cần sử dụng thì đơn.

2. Các thì hoàn thành (Perfect Tenses): TO HAVE + PAST PARTICIPLE

Thì hoàn thành dùng để diễn tả một hành động đã bắt đầu hoặc đã kết thúc trước thời điểm được đề cập tới hoặc hiểu ngầm trong câu. Lấy ví dụ câu ở trên, nếu không có thời điểm xác định là năm 2006, tôi có thể viết “I have signed up an Opera account”. Thời điểm được hiểu ngầm trong câu này là hiện tại (now).

Tuy nhiên, bạn lưu ý việc sử dụng thì cũng tùy thuộc vào động từ. Ví dụ cũng câu trên nhưng bạn sử dụng động từ “to have” thì bạn phải dùng thì hiện tại đơn, vì lúc đó câu này đề cập tới một sự thật hiển nhiên: I have an Opera account.

3. Các thì tiếp diễn (Continuous Tenses): TO BE + PRESENT PARTICIPLE

Thì tiếp diễn dùng để diễn tả một hành động đang xảy ra vào thời điểm được đề cập tới hoặc hiểu ngầm trong câu. Thì tiếp diễn cũng có thể được sử dụng làm nền (background) cho một hành động khác.

Lưu ý, một số loại động từ không được sử dụng với thì tiếp diễn, bao gồm động từ nối (linking verbs), động từ chỉ sự sở hữu (verbs of possession) và động từ chỉ tình cảm (verbs of perception). Tuy nhiên, bạn cũng cần xác định loại động từ khi sử dụng (xin xem post Verb Functions). Ví dụ, tôi không thể nói “I’m having an Opera account”, nhưng tôi có thể nói “The Opera server was down while we were having a discussion in Vietnamese Forum” vì động từ “to have” trong câu thứ hai không mang nghĩa sở hữu.

4. Các thì hoàn thành tiếp diễn (Perfect Continuous Tenses): TO HAVE BEEN + PRESENT PARTICIPLE

Thì hoàn thành tiếp diễn dùng để diễn tả một hành động đã bắt đầu và kéo dài đến thời điểm được đề cập tới hoặc hiểu ngầm trong câu. Bạn có thể dịch thì này sang tiếng Việt là “đã đang”. Như vậy, khác với các thì hoàn thành, các thì hoàn thành tiếp diễn diễn tả một sự việc vẫn còn xảy ra vào thời điểm được đề cập hoặc hiểu ngầm trong câu.

Cũng như các thì hoàn thành, các thì hoàn thành tiếp diễn tương đối khó sử dụng đối với người Việt. Tuy nhiên, nếu bạn xác định được thời điểm để so sánh, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản. Ví dụ tôi muốn nói “Đến năm 2010, Ruby đã đang học tiểu học” thì thời điểm tôi cần xác định là tương lai, và so với thời điểm đó thì hành động đó đã bắt đầu. Như vậy, tôi phải nói “Ruby will have been attending elementary school by 2010”.

5. Thì tương lai của quá khứ (Past Future Tense): WOULD + BARE INFINITIVE

Thì tương lai của quá khứ dùng để diễn tả một ý định, kế hoạch, mong ước, hy vọng,… được diễn đạt trong quá khứ. Nói chung là tất cả những điều mà ta không thể thực hiện ngay vào thời điểm phát ngôn, mà sẽ thực hiện (hoặc không) sau thời điểm đó. Ví dụ tôi muốn nói “tôi không nghĩ rằng mình sẽ trở thành một blogger” thì thời điểm mà tôi nghĩ (hoặc không nghĩ) đến điều đó là quá khứ (vì thực tế tôi đang là một blogger mà); và trợ từ “sẽ” trong câu này diễn tả một hành động sẽ xảy ra trong tương lai so với thì quá khứ. Như vậy, tôi phải nói “I didn’t think that I would become a blogger”.

Bài viết này dựa vào kinh nghiệm học của bản thân tôi. Nếu có sai sót, tôi rất mong các bạn sẽ góp ý để tôi chỉnh sửa. Xin chân thành cám ơn!